Nữ phó giáo sư trẻ cân bằng cuộc sống, công việc

17/05/2017 - 09:14
Tiến sĩ Y học, PGS Trần Vân Khánh là người Việt Nam đầu tiên triển khai thành công liệu pháp điều trị gen ở VN sử dụng mô hình tế bào đối với bệnh lý di truyền. Báo PNVN có cuộc trò chuyện với chị về cách cân bằng cuộc sống của nhà khoa học nữ.

PV: Thưa chị, cơ duyên nào đã dẫn chị đến với lĩnh vực y học?

PGS-TS Trần Vân Khánh: Tôi sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều là thầy thuốc. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã ước mơ trở thành bác sĩ để nối tiếp truyền thống gia đình. Sau khi tốt nghiệp Bác sĩ (1996), tôi về công tác tại Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Thời gian 4 năm làm việc ở đây, tôi đã được tiếp cận với một số công việc nghiên cứu về sinh học phân tử trong Y học, đặc biệt nghiên cứu về một số đột biến trong bệnh lý di truyền. Tôi thấy đây là lĩnh vực hay, còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Dù tỷ lệ mắc bệnh này không cao như các bệnh lý ung thư, tim mạch hay các bệnh lý truyền nhiễm khác, nhưng mỗi gia đình, khi sinh ra những đứa con bị bệnh sẽ là nỗi bất hạnh rất lớn, là gánh nặng cho gia đình và cả xã hội.

Trăn trở với điều đó, tháng 10/2000, tôi quyết định sang Nhật Bản làm nghiên cứu sinh tại Khoa Y, Trường Đại học Tổng hợp Kobe và tập trung vào đề tài “Cơ chế bệnh sinh và điều trị bệnh ở mức độ phân tử đối với bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne”. Đây là một trong những bệnh lý di truyền phổ biến nhất ở Việt Nam cũng như trên thế giới với tần suất mắc bệnh 1/3.500 trẻ trai… Khi người mẹ mang gen bệnh sẽ truyền bệnh cho con trai, và truyền gen bệnh cho con gái của mình. Đây là 1 bệnh về cơ rất nặng, hầu hết những trẻ mắc bệnh đều có dấu hiệu suy cơ và tiến triển ngày càng nặng, cuối cùng dẫn đến tàn phế, mất khả năng đi lại ở tuổi 12 và thường tử vong ở lứa tuổi 20 do tổn thương cơ tim và rối loạn hô hấp…

van-khanh-1.jpg
Tháng 3/2006, tốt nghiệp Tiến sĩ trở về, với mong muốn được nghiên cứu khoa học, chị Vân Khánh đã tham gia vào nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Gen – Protein, Trường Đại học Y Hà Nội. 

PV: Công việc nghiên cứu, giảng dạy mà chị đam mê “ngốn” thời gian, công sức của chị như thế nào?

PGS-TS Trần Vân Khánh: Kể từ khi tôi về nước đến nay đã 10 năm , Trung tâm Nghiên cứu Gen – Protein là nơi tôi thường xuyên có mặt từ 7 giờ sáng đến 19-20 giờ đêm để nghiên cứu và giảng dạy Bộ môn Bệnh học phân tử - Khoa Kỹ thuật Y học của Đại học Y Hà Nội. Tôi chủ trì và tham gia gần 30 đề tài khoa học các cấp; Xây dựng bản đồ đột biến gene cho các bệnh lý di truyền như Duchenne, Wilson (bệnh di truyền do sự tích lũy đồng trong cơ thể, chủ yếu là ở gan, não, máu, khớp), Hemophilia (bệnh máu khó đông), Thalasemie (bệnh tan máu bẩm sinh), Tăng sản thượng thận bẩm sinh (hội chứng sinh dục với bộ phận sinh dục ngoài bất thường - lưỡng giới giả, phì đại…), Tạo xương bất toàn (bệnh xương thủy tinh)…; Ứng dụng, giúp hơn 1.000 bệnh nhân - thành viên gia đình được chuẩn đoán bằng kỹ thuật gen, phát hiện người lành mang gen bệnh và chẩn đoán trước sinh…

Ngoài ra, tôi cũng phối hợp nghiên cứu về bệnh học phân tử trong ung thư; nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh tim và hướng dẫn thành công trên 40 nghiên cứu sinh, thạc sĩ và khóa luận tốt nghiệp...

GS.TS Tạ Thành Văn - Phó Hiệu Trưởng, Trường Đại học Y Hà Nội: “Các lĩnh vực nghiên cứu của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Vân Khánh chủ yếu đề cập đến lĩnh vực bệnh học phân tử, nhằm giúp chẩn đoán sớm, chẩn đoán trước sinh, định hướng điều trị can thiệp và giúp các bác sĩ lâm sàng tiên lượng các thể bệnh này. Những kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ đã được các nhà khoa học Y học trong và ngoài nước đánh giá rất cao và thực tế đã đem lại lợi ích trực tiếp cho nhiều người bệnh. Phó Giáo sư cũng là người Việt Nam đầu tiên triển khai thành công liệu pháp điều trị gen ở Việt Nam sử dụng mô hình tế bào đối với bệnh lý di truyền”.

PV: Bận rộn, nhiều áp lực với khối công việc “cao như núi”, chị có cách nào để cân bằng cuộc sống của một nhà khoa học nữ và một phụ nữ đời thường?

PGS-TS Trần Vân Khánh: Có lẽ với tôi, bên cạnh đam mê nghiên cứu, tôi yêu gia đình và luôn dành thời gian cho gia đình, đó là những khoảng thời gian quý giá nhất. Và để thực hiện được điều đó, tôi đã học cách làm việc làm sao cho khoa học và đạt hiệu quả cao nhất.

Tôi đề ra nguyên tắc hạn chế mang việc về nhà làm buổi tối, cố gắng thu xếp 02 ngày cuối tuần để được nghỉ ngơi và dành cho gia đình. Thỉnh thoảng, tôi cùng gia đình đi picnic quanh Hà Nội, hoặc có những chuyến đi nghỉ xa trong dịp hè…

Khi bị stress trong công việc, tôi luôn nghĩ đến những sở thích của chính bản thân để có thể thư giãn, giải tỏa như: nấu ăn, cắm hoa, hoặc đi picnic....

Tôi thích hoa nên cứ khi cần thư giãn là tôi sẵn sàng ngược hàng chục cây số lên tận chợ hoa Quảng Bá, Nhật Tân để tự tay chọn mua những cành hoa tươi mang về nhà bó, cắm và bày trí.

15179057_1818192841757966_4636739340412833625_n.jpg
Nếu tình cờ ghé vào facebook cá nhân của chị, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra những khung hình hoa là chủ đạo với hồng vàng, hồng đỏ, hồng môn, anh đào, cúc nhật, cúc họa mi, lay ơn, cánh bướm, sen hồng, đào phai, mận trắng, địa lan, thược dược… 
18195160_1903170703260179_597853552994614703_n.jpg
16711605_1862886257288624_2381470298176331885_n.jpg
van-khanh-2.jpg
 Thậm chí, ngay tại trong căn phòng làm việc, nữ Phó Giáo sư trẻ vẫn tự bày trí trên tường rất nhiều những khung ảnh về hoa và trên bàn cũng luôn có những lọ hoa tự cắm…

PGS. TS Trần Vân Khánh sinh năm 1973. Chị hiện là Trưởng Bộ môn Bệnh học phân tử - Khoa Kỹ thuật Y học; Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gen – Protein, Đại học Y Hà Nội; Chủ trì 8 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp (có nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ nghiệm thu xuất sắc); Tham gia 19 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; Đã công bố 148 bài báo trong và ngoài nước trên những tạp chí khoa học uy tín; Nhận giải thưởng L’Oreal-UNESCO dành cho nữ khoa học trẻ có công trình nghiên cứu xuất sắc; Bằng Lao động sáng tạo; Bằng khen Vì Thế hệ trẻ; Giải thưởng Đặng Văn Ngữ dành cho tác giả có công trình khoa học công bố trên tạp chí quốc tế; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2015); Được phong hàm Phó Giáo sư (2015)…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm