Những ngày gần đây, khi mà dư luận về vụ “cô giáo quỳ gối” ở Long An chưa kịp lắng xuống thì vấn đề của môi trường giáo dục lại nóng lên bởi người nhà học sinh ở Nghệ An đánh gãy mũi thầy giáo.
Có thể nói những vấn đề của môi trường giáo dục nhiều năm nay chưa bao giờ hết nóng từ việc dạy thêm học thêm, bạo lực học đường, đến các vấn đề về cải cách giáo dục, thay đổi sách giáo khoa triền miên, với “sợi dây kinh nghiệm” cứ được rút dài mãi như hình ảnh mà nghệ sĩ hài Minh Vượng cách điệu trong chương trình Táo quân Tết Mậu Tuất vừa qua.
Trong bối cảnh đó thì trên sóng Truyền hình Việt Nam (VTV1), ở khung giờ vàng đang chiếu bộ phim Đánh tráo số phận – một trong số rất ít phim truyền hình Việt lấy đề tài giáo dục làm mạch chuyện chính. Theo thông tin từ nhà đài, đây là bộ phim “đặc biệt có ý nghĩa đối với các bậc phụ huynh, thầy cô giáo và các em học sinh ở giai đoạn đang dần hoàn thiện về nhân cách”. Bộ phim hành động - hình sự vừa mô tả từng ngóc ngách, thủ đoạn của thế giới tội phạm phức tạp, vừa làm toát lên một môi trường giáo dục nhân văn, sống động của thế giới học trò tinh nghịch.
Nhân vật chính Hà Linh – một nữ quái giang hồ khét tiếng đang bị công an truy đuổi và bị các băng tội phạm truy sát bởi những ân oán giang hồ. Tình cờ, Hà Linh gặp cô giáo Trâm Anh – người giống Linh như đúc. Ngay khoảnh khắc đó, Trâm Anh bị tai nạn chết, Hà Linh tráo đổi giấy tờ để sống cuộc sống của Trâm Anh trong vai trò cô giáo chủ nhiệm lớp 12C trường tư thục Bách nghệ.
Lớp 12C được mô tả với khá đầy đủ các tồn tại của môi trường học đường như: Học sinh vô tổ chức kỷ luật, chơi bời lêu lổng và nhiễm thói hư tật xấu ngoài xã hội, bị kẻ xấu lợi dụng; tình trạng học điểm, chạy theo thành tích, bao che cho học sinh, học giả điểm thật; và đặc biệt là sự can thiệp thái quá của những phụ huynh đại gia – người tài trợ cho nhà trường, hoặc dùng quyền thế để can thiệp vào các hoạt động giáo dục của nhà trường…
Và do vậy, mỗi học sinh của lớp 12C có một hoàn cảnh, tính cách tạo nên một tập thể học sinh cá biệt.
Chúng khiến các thầy cô giáo không thể đứng lớp và cô chủ nhiệm Trâm Anh đã từng hoảng loạn đến phát sốt. Nhưng khi Hà Linh vào vai Trâm Anh, với những hành vi, phương pháp của một nữ quái giang hồ thì mọi chuyện trở thành cú sốc ngược trở lại không chỉ với học sinh mà còn với các giáo viên khác và phụ huynh.
Không chỉ cho một tên tội phạm vào trong môi trường giáo dục, những người làm phim còn mạnh tay đến mức để nữ quái xã hội đen mặc chiếc áo của chuẩn mực đạo đức và phương pháp sư phạm. Họ đã liều lĩnh và mạo hiểm khi hòa trộn hai môi trường đối lập vào nhau để thử phương pháp “vỏ quýt dày có móng tay nhọn” trong giáo dục. Bởi những học sinh cá biệt mà lại được “dạy dỗ” bởi xã hội đen thì liệu chúng có thể thành người tử tế?
Theo dõi bộ phim cho đến thời điểm hiện nay, có thể thấy các tình tiết phim khá hấp dẫn, cuốn hút. Các vấn đề của lớp 12C đã lần lượt được cô giáo “nữ quái” xử lý tốt, mặc dù cách làm khá sốc như: Bày kế thúc đẩy sự việc để học sinh sớm nhận ra mối nguy hiểm rồi ra tay giúp đỡ, thể hiện tài chơi game, thậm chí đua xe cùng học sinh. Đúng là với những học trò cá biệt thì cần phải có những phương pháp đặc biệt và Hà Linh không gặp nhiều khó khăn trong vai trò của “móng tay nhọn”. Vấn đề đặt ra là theo các nhà sư phạm thì phương pháp này có phù hợp hay không?
Hình ảnh cô hiệu trưởng cùng học sinh lớp 12C bất ngờ tổ chức sinh nhật cho cô giáo Trâm Anh (Hà Linh) một cách trân quý ở tập 19 càng khiến người xem lo lắng hơn bởi tính 2 mặt của vấn đề. Hà Linh vừa là cô giáo, vừa tiếp tục hoạt động xã hội đen nên thân phận cô đang dần bại lộ. Vậy niềm tin của học trò sẽ ra sao khi nhận ra cô giáo mình yêu quý chính là nữ đại ca giang hồ khét tiếng và những điều mình nhận được chỉ là sự lừa dối?
Có rất nhiều phương pháp để đạt kết quả, nhưng ở môi trường giáo dục thì tiên quyết phải là phương pháp sư phạm. Khán giả chưa biết những người làm phim Đánh tráo số phận sẽ tiếp tục giải quyết câu chuyện như thế nào? Hy vọng rằng bộ phim sẽ không trở thành một “sáng kiến” nối dài thêm sợi dây kinh nghiệm của nghệ sĩ hài Minh Vượng.