Chính quyền im lặng, nữ sinh quyết định lên tiếng
Khi nghe Nikita kể, mẹ cô rất lo và bắt cô nghỉ học. Bạn bè cô cũng nhờ bố mẹ báo với chính quyền về vụ việc nhưng vẫn không có gì thay đổi.
Bị thanh niên quấy rối trên đường đến trường, các cô gái đấu tranh đòi một môi trường học tập an toàn |
Nikita và bạn bè của cô đã quá mệt mỏi với thái độ sỗ sàng của đám thanh niên lạ mặt nhưng không vì thế mà họ cam tâm bỏ học. Vào trung tuần tháng 5, Nikita và 86 nữ sinh khác trong làng đã xuống đường biểu tình. Trong đó, có 13 cô gái quyết định tuyệt thực.
Chahat, 1 trong 4 nữ sinh tuyệt thực, đã ngất xỉu sau một tuần lễ kiên trì “đấu tranh” cho quyền đến trường của mình, đã được cấp cứu kịp thời. Khi thấy Chahat ngày càng xanh xao, bà Sapna - mẹ của cô bé - bị những người lớn tuổi quở trách vì không thuyết phục con gái về nhà. Bà đã nói rằng: “Cả đời tôi chẳng có cơ hội học hành, tôi muốn cùng con gái đấu tranh đến cùng. Chỉ có cách đó, các con tôi mới có một tương lai tốt hơn mà thôi”.
Quy mô của cuộc biểu tình vì thế ngày một đông. Các bậc cha mẹ bắt đầu đến ủng hộ con gái họ. Trưởng làng Suresh Chauhan lúc đầu còn ngần ngại nhưng đến ngày thứ 3, ông cũng hòa mình vào cuộc biểu tình yêu cầu một môi trường học tập an toàn cho các cô gái.
Dù kiệt sức, các cô gái không rời khỏi cuộc biểu tình |
Ông Tej Bahadur, một người đã đi 30-40 km để tham gia cuộc biểu tình, nói trong sự bức xúc: “Năm ngoái, nhiều nữ sinh ở khu vực này phải nghỉ học sau khi một cô bạn bị cưỡng bức trên đường đến trường. Chính quyền nên biết xấu hổ vì để các cô gái phải nhịn đói để đấu tranh cho quyền được đến trường của họ”.
Các tờ báo địa phương cũng tích cực đưa thông tin về vụ biểu tình. Đồng thời, họ kêu gọi Chính phủ Ấn Độ quan tâm đến việc nâng cấp trường học cho các cô gái cũng như tăng cường giáo dục bình đẳng cho các nam sinh để không còn những vụ cưỡng bức, giết người xảy ra liên tục như những năm qua.
Nụ cười sau 7 ngày tuyệt thực
Sau 6 ngày “đấu tranh” kiên định của các cô gái, ông Ram Bilas Sharma - Bộ trưởng Giáo dục bang Haryana - hứa sẽ nâng cấp ngôi trường ở làng Gothra từ lớp 10 đến lớp 12 theo yêu cầu.
Niềm vui của các cô gái khi họ có một ngôi trường như mong ước |
Tuy nhiên, các cô gái tỏ ra thận trọng. Họ yêu cầu ông Sharma có thông báo chính thức thì mới giải tán cuộc biểu tình. Ngày 17/5 vừa qua, thông báo đã về đến làng cùng với việc ấn định ngày nhập học và bổ nhiệm hiệu trưởng mới cho ngôi trường.
Pooja, một người biểu tình, nói sở dĩ họ phải làm vậy vì nguyện vọng của họ đã được dân làng đề đạt hơn 15 năm qua nhưng những nhà cầm quyền cứ đến và đi, không có gì thay đổi cả.
Thắng lợi này khiến các cô gái vô cùng phấn khởi. Sau hơn 7 ngày dãi nắng dầm mưa, nhịn đói, cuối cùng tiếng nói của họ đã được lắng nghe. Khi có thông báo chính thức đến làng thì bao nhiêu mệt mỏi trên mặt các cô gái bỗng tan biến. Thay vào đó là nụ cười rạng rỡ. Ekta Sharma, một học sinh lớp 10, đã hét lên rằng: “Chúng em rất hạnh phúc!”.