Nữ sinh đánh bạn giữa lớp: Đừng vội trách các em

11/10/2017 - 12:41
Nhìn clip một nữ sinh lớp 7 bị các bạn nữ khác quây vào đấm đá túi bụi giữa lớp học mới đây, nhiều cha mẹ có con gái không khỏi xót xa. Một đứa trẻ, lại là con gái dùng nắm đấm để làm tổn hại bạn bè, không còn là chuyện hiếm.

Khoảng trống lớn trong nuôi dạy con, bắt đầu từ chính cha mẹ

Là một phụ huynh có con gái đang tuổi trưởng thành, nhà báo Trương Anh Ngọc khi đề cập đến vấn nạn bạo lực học đường giữa nữ sinh, đã có nhiều chia sẻ đáng suy nghĩ với Phụ nữ Việt Nam.

Về thực trạng này, mà mới đây nhất là clip một nhóm nữ sinh lớp 7 tại Hà Nội quây vào đấm đá một bạn nữ túi bụi ngay giữa lớp, anh Trương Anh Ngọc cho rằng khoan hãy vội trách cứ những đứa trẻ bạo lực đó.

Nữ sinh đánh nhau không còn là chuyện hiếm. Ảnh cắt từ clip 

“Tôi tin rằng, mọi hành vi của một đứa trẻ, đều xuất phát có nguyên do của nó. Vấn đề là chính cha mẹ có đi tìm được câu hỏi vì sao con mình lại là một đứa trẻ hung hãn và tìm cách giải quyết bằng nắm đấm như thế hay không, lại là một trẻ gái”- anh Ngọc đặt vấn đề.

Theo anh, một đứa trẻ có hành vi bạo lực thường có một ẩn ức gì đó tích tụ lâu trong lòng và cho rằng bạo lực là cách duy nhất để giải quyết vấn đề. Điều này kéo dài cả quá trình, trẻ không chỉ bức xúc với bạn mà có thể có bức xúc trong chính gia đình, bị ảnh hưởng bởi bạo lực xung quanh: Nhìn thấy người khác đối xử tệ hại với nhau ngoài đời, xem phim ảnh. Trẻ cho rằng, đó là cách duy nhất để giải quyết vấn đề. Rõ ràng đang có một lỗ hổng lớn trong giáo dục gia đình mà sự chủ động để lấp đầy khoảng trống này phải là chính bố mẹ.

“Nhiều phụ huynh cho rằng, mình bận rộn quá nên nhiều khi vứt cho con cái điện thoại, máy tính, nhiều khi gần như thả lỏng con và điều sai lầm là họ cho rằng. nhà trường là nơi dạy dỗ con chủ yếu. Trong khi thực tế, giáo dục gia đình lại là điều quan trọng nhất, là gốc rễ của phát triển nhân cách một đứa trẻ”- nhà báo Trương Anh Ngọc nhấn mạnh.

Thay vì áp đặt, hãy đối thoại với con nhiều hơn

Nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng, thay vì áp đặt, cha mẹ hãy đối thoại với con nhiều hơn để con thấy rằng, mình được tôn trọng và được lắng nghe. Thay vì nói “con phải…”, hãy nói “con nên..”. Thay vì mắng mỏ khi con mắc lỗi, hãy cho con 5 phút để bình tĩnh suy nghĩ, rồi cùng đối thoại với con. Dù con đúng hay sai, hãy để con nói ra những suy nghĩ ấy, từ đó cùng con tìm cách giải quyết vấn đề.

“Bản thân tôi luôn dạy con gái mình bằng cách này và thấy thay vì bạo lực, hung hãn, trẻ lớn lên sẽ rất lành. Lành tức là không phải ai bảo gì làm nấy, mà là con sẽ luôn đối thoại với người khác bằng sự chân thành nhất có thể để tìm được tiếng nói chung, không bao giờ nghĩ đến việc dùng bạo lực để hành xử với người khác”- anh chia sẻ.

Bên cạnh đó, anh còn cho con gái mình học võ từ bé. “Con tôi có võ nhưng học võ để tự vệ chỉ là mục tiêu gần như cuối cùng. Trên thực tế những trẻ học võ đều lành tính, biết kiềm chế được cơn nóng giận, bộc phát, khỏe mạnh hơn, sau đó mới là mục tiêu tự vệ”- nam phụ huynh cho biết.

Cũng theo anh, khi phát hiện con có hành vi bạo lực, cha mẹ nên hết sức bình tĩnh, không mắng mỏ, không trừng phạt con. Thay vào đó, hãy nói chuyện để giải nghĩa “Vì sao con làm thế?”, từ đó đi tìm cách giải quyết.

“Trẻ em là tấm gương phản chiếu hành vi của người lớn”

Đó là khẳng định của TS Vũ Thu Hương, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội khi đề cập đến hành vi bạo lực học đường của trẻ cho rằng, trẻ em là tấm gương phản ánh các hành vi của người lớn. Chúng ta phải xem lại hành vi của mình trước khi trách móc các con.

“Tuổi vị thành niên là độ tuổi tâm sinh lý bất ổn, các em dễ gây ra những hành vi vượt ngoài kiểm soát mà chưa ý thức được hậu quả. Học sinh bây giờ đều coi việc bạo lực là chuyện quá đỗi bình thường. Đây mới chính là điều đáng lo ngại”- TS Vũ Thu Hương nhận định.

Nữ tiến sĩ cho rằng, để ngăn chặn những hành vi bạo lực, bản thân cha mẹ, người lớn cần xem lại mình và điều chỉnh cách giáo dục con cái mình. “Rõ ràng việc “cảm ơn”, “xin lỗi”, nói tục chửi bậy, hỗn láo cũng xảy ra với người lớn. Chúng ta phải xem lại hành vi của chúng ta trước khi trách móc các con”- bà nhấn mạnh.

Lời khuyên được TS Vũ Thu Hương đưa ra để phòng ngừa hành vi bạo lực trong con, trước hết là bố mẹ nên nhìn nhận lại mình và thay đổi cách dạy dỗ con. Việc làm bạn cùng con, dành nhiều thời gian để nói chuyện, nghe câu chuyện của con là điều cực kỳ cần thiết. Hãy hình thành thói quan chia sẻ, không ngại ngùng giúp đứa trẻ nhận ra rằng, bố mẹ luôn là nơi để con có thể kể bất cứ câu chuyện gì xung quanh mình.

“Cha mẹ để ý kiểm soát, loại bỏ những truyện tranh, bộ phim, băng đĩa mang tính chất bạo lực, không lành mạnh mà con đang xem. Tránh tuyệt đối những vụ can thiệp vào trường học. Làm như vậy chỉ khiến con hư thêm”- TS Vũ Thu Hương cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm