Nữ sinh Trung Quốc không muốn nhu cầu của trẻ em gái bị "ngó lơ"

Kin Ngọc
13/09/2020 - 20:20
Nữ sinh Trung Quốc không muốn nhu cầu của trẻ em gái bị "ngó lơ"
Nữ sinh Joyce Peng cùng những người bạn trong câu lạc bộ nữ sinh Stand TogetHer ở Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) đã phát động chiến dịch hỗ trợ băng vệ sinh cho trẻ em gái nghèo trên một trang web. Khi chiến dịch gây quỹ bắt đầu, Joyce Peng nghĩ rằng mục tiêu đặt ra có thể quá lớn. Thực tế cho thấy, chỉ sau 1 tuần, chiến dịch đã quyên góp được số tiền vượt ngoài mong đợi.

Sau hơn một ngày phát động đã vượt mục tiêu đề ra

Huyện Lương Sơn cách Thành Đô khoảng 500km nhưng xét về thu nhập thì lại chênh lệch rất lớn. Theo ghi nhận của truyền thông địa phương, trong số 5,31 triệu người sống trên địa bàn thì có 178.000 người nghèo. Đối với nhiều gia đình ở đây, thu nhập còn không đủ trang trải cho chuyện ăn uống, huống hồ chi là các sản phẩm vệ sinh cho trẻ em gái.

Thông qua sự kết nối cá nhân, nhóm đã liên hệ với tổ chức hội phụ nữ địa phương để tìm hiểu vấn đề "thiếu sản phẩm vệ sinh" của trẻ em gái tại thị trấn Sikai (huyện Lương Sơn). Trong một khảo sát ở Sikai, các thành viên trong nhóm Stand TogetHer không ngờ trước những gì họ tìm thấy. Rất ít gia đình bé gái có đủ khả năng chi trả, vì vậy hầu hết đều mua một gói giấy vệ sinh lớn với giá khoảng 1/6 giá của băng vệ sinh.

"Nó giống như giấy nhám, không sạch và thiếu vệ sinh; chưa kể còn có khả năng bị tràn, khiến người sử dụng bối rối. Điều đó gây thêm áp lực tâm lý cho các bé gái đang có kinh nguyệt. Ngoài ra, một số bạn gái không biết cách chăm sóc bản thân khi có kinh lần đầu. Hoang mang, sợ hãi và lo lắng gần như đã trở thành tâm lý chung phổ biến của nhiều bé gái", Joyce nói.

Một giáo viên giấu tên cho biết một số nữ sinh đã phải sử dụng các vật liệu khác để đối phó với kỳ kinh nguyệt, khiến chúng trở nên xấu hổ hơn. Vì vậy việc nghỉ học đã trở thành thói quen.

Joyce và nhóm của em đã sử dụng kết quả nghiên cứu của họ làm cơ sở cho một bộ phim tài liệu về vấn đề này. Họ phát hiện ra rằng băng vệ sinh ở thị trấn cũng đắt như ở Thành Đô, giá trung bình khoảng 1 nhân dân tệ/miếng (gần 3.400 đồng).

Một trong những vấn đề khiến giá thành băng vệ sinh đắt là do chính sách thuế đối với mặt hàng này. Trong khi Ireland, Canada và Úc đã thực hiện miễn thuế đối với băng vệ sinh, các quốc gia khác đã cắt giảm thuế đối với các sản phẩm vệ sinh để khiến mặt hàng này có giá cả phù hợp hơn thì ở Trung Quốc, thuế giá trị gia tăng đối với băng vệ sinh là 13%.

Tác động để thay đổi chính sách thuế cần khoảng thời gian dài. Vì vậy, nhóm học sinh này đã quyết định hành động ngay bằng cách kêu gọi cộng đồng chung tay hỗ trợ. Mục tiêu nhóm Stand TogetHer đặt ra là quyên góp được 90.000 nhân dân tệ (hơn 300 triệu đồng) cho các sản phẩm vệ sinh dành cho trẻ em gái ở vùng núi xa xôi phía tây nam Trung Quốc.

Tuy nhiên, chỉ trong hơn một ngày số tiền nhóm Stand TogetHer quyên góp đạt được đã vượt chỉ tiêu, được gần 125.000 nhân dân tệ (hơn 424 triệu đồng) để giúp đỡ 700 nữ sinh nghèo khó tại một trường học của huyện tự trị Lương Sơn, một trong những vùng nghèo nhất của Trung Quốc. Joyce Peng chia sẻ: "Tôi rất vui mừng và hạnh phúc. Số tiền này có thể mua đủ băng vệ sinh cho hàng trăm bé gái trong một năm".

Vấn đề là chính sách từ nhà nước

Tuy nhiên, chiến dịch của nhóm Stand TogetHer còn có ý nghĩa xã hội lớn hơn rất nhiều. Chiến dịch đã thu hút sự chú ý về vấn đề sức khỏe và phúc lợi lớn ở vùng nông thôn Trung Quốc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều trẻ em gái trốn học khi bắt đầu có kinh nguyệt.

Việc này đã trở thành một vấn đề phổ biến trên toàn thế giới trong những năm gần đây và nhiều nước đã có những hành động. Năm 2020, Scotland trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới cung cấp sản phẩm vệ sinh miễn phí cho phụ nữ và trẻ em gái. Nhiều nước đã xóa bỏ thuế đối với mặt hàng băng vệ sinh.

Nhóm Stand TogetHer ở Thành Đô đã thực hiện thành công chiến dịch cung cấp băng vệ sinh cho các bé gái ở Sikai (huyện Lương Sơn, Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc) Ảnh: South China Morning Post

Nhóm Stand TogetHer ở Thành Đô đã thực hiện thành công chiến dịch cung cấp băng vệ sinh cho các bé gái ở Sikai (huyện Lương Sơn, Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc) - Ảnh: South China Morning Post

Li Jun, phó giáo sư xã hội học và truyền thông tại Đại học Sán Đầu (Shantou University) cho biết việc thiếu các sản phẩm vệ sinh trong chu kỳ kinh nguyệt là một vấn đề sức khỏe cộng đồng và các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc. "Việc thiếu các sản phẩm vệ sinh trong chu kỳ kinh nguyệt là do chính sách y tế công cộng của chính phủ không tính đến nhu cầu sinh học của phụ nữ. Các chính sách công để cải thiện vệ sinh phụ nữ ở các vùng nghèo cần được đưa ra và được xem xét cùng với chiến dịch xóa đói giảm nghèo", phó giáo sư Li Jun nói.

Cần nhiều sự giúp đỡ hơn nữa

Ở Tứ Xuyên, nhóm của Joyce có kế hoạch sử dụng số tiền quyên góp được trên mạng để cung cấp băng vệ sinh cần dùng trong cả năm cho khoảng 700 nữ sinh tại một trường ở trung tâm thị trấn Sikai. Ngoài ra, họ còn lên kế hoạch làm việc với liên đoàn phụ nữ của địa phương để xuất bản một cuốn cẩm nang với những lời khuyên dành cho trẻ em gái.

Joyce cho biết mục đích trước mặt là bắt đầu gây quỹ ở một khu vực nhỏ và từ đó phát triển thêm. "Trước tiên tôi muốn làm tốt việc quyên góp cho một trường, sau đó tiếp tục mở rộng sang các trường khác, quyên góp thêm tiền và cung cấp nhiều dịch vụ hơn. Phong trào đấu tranh ở Hoa Kỳ rất truyền cảm hứng và động lực cho tôi. Ngay cả Ấn Độ cũng đã đạt được nhiều tiến bộ", Joyce cho biết và nói thêm rằng em ấy muốn thay đổi từng bước một.

"Không phải định mệnh của một bé gái là phải trốn học vì không mua được băng vệ sinh tốt, và cũng không phải định mệnh của một bé gái phải mắc bệnh phụ khoa chỉ vì sử dụng băng vệ sinh kém chất lượng".

Nữ sinh Joyce Peng , Đại diện nhóm Stand TogetHer (Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc)


Nguồn: Theo SCMP
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm