pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ start-up chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn khi khởi nghiệp
Dịch bệnh Covid-19 ập tới, mọi người đều cảm thấy sự lao đao của các doanh nghiệp. Thế nhưng thực tế đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là những phụ nữ đã từng khởi nghiệp trong cơ hàn thì họ thường xuyên phải gặp rất nhiều "dịch bệnh" như thế. Và đó cũng là một lý do khiến những người phụ nữ ấy vững vàng hơn trước sóng gió của dịch bệnh đang ào ào ngoài kia.
Đặng Thị Hòa, Giám đốc Công ty cổ phần phần phân bón hữu cơ Tasa Việt Nam
Đặng Thị Hòa là một start-up được chọn mặt, nhớ tên, không chỉ bởi cô có sản phẩm 'phân hữu cơ tinh khiết' hữu ích cho nông nghiệp Việt, mà cô còn luôn tràn đầy năng lượng, không ngại chia sẻ kiến thức với cộng đồng.
Mô hình khởi nghiệp của Đặng Thị Hòa đã được đánh giá cao tại các cuộc thi uy tín như: Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo "Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh" do Hội LHPN Việt Nam và VCCI phối hợp tổ chức năm 2019; Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thanh niên nông thôn 2019; được lựa chọn chính thức vào chương trình Ươm tạo khởi nghiệp SIP 100 (Startup Incubation Program 100- thuộc FIIS…
Đặng Thị Hòa cho biết: Sự tối quan trọng của dòng tiền thì có lẽ mọi người đều biết. Tiền là "máu" đi nuôi tất cả. Bất luận thế nào thì dòng máu ấy không được ngừng lại. Khó khăn đầu tiên phụ nữ khởi nghiệp gặp phải là khởi tạo ra dòng tiền.
Bạn sẽ giải quyết khó khăn đó như thế nào?
Hãy cùng tham khảo kinh nghiệm gọi vốn của Hòa.
Để gọi vốn thành công, ý tưởng thôi chưa đủ
Vốn là bước chân đầu tiên vô cùng quan trọng khi muốn tạo ra dòng tiền cho doanh nghiệp. Để gọi vốn thành công, bạn cần làm ra một cái gì đó hữu hình để có thể đi tìm người góp vốn làm cùng.
Với nông nghiệp bạn cần sản phẩm mẫu, hoặc một mô hình mẫu tối giản nhất đã chạy thử. Với công nghệ thì cũng tương tự có thể là bản thử, hoặc đơn giản là một video đầy tính công nghệ giới thiệu cho họ.
Phải làm được điều tối thiểu đó bạn mới gọi được vốn từ co-founder, từ các nhà đầu tư. Bởi vì nếu chỉ có ý tưởng khởi nghiệp thì chưa đủ thuyết phục. Đặng Thị Hòa ví von: chữ ý tưởng trong giới khởi nghiệp thường truyền nhau là: ý là của người ta nhưng tưởng là của mình.
Chuẩn bị chiến lược gọi vốn tốt
Để khởi tạo được nguồn vốn bạn cần chứng minh khả năng với nhà đầu tư. Bạn cần nắm rõ mình cần gì, mình sẽ biến số tiền đó như thế nào.
Thực tế lần đầu tiên mình đi gọi vốn với một nhà đầu tư thiên thần, mình không chuẩn bị gì cả, Đặng Thị Hòa chia sẻ, vì mình nghĩ cái gì cũng có trong đầu mình rồi.
Nhà đầu tư đã hỏi mình những câu sau:
- Bạn cần bao nhiêu tiền?
- Bạn sẽ phân bổ số tiền đó như thế nào?
- Bạn đã làm bảng tài chính chưa?
- Bạn mất bao nhiêu chi phí để tạo ra một sản phẩm, bao nhiêu chi phí để có một khách hàng, bao nhiêu chi phí để duy trì khách hàng đó?
Mình không trả lời được rõ ràng các câu hỏi. Đó là lần thất bại đầu tiên trong quá trình đi gọi vốn. Nhà đầu tư còn đưa ra rất nhiều câu hỏi khác nữa về tài chính. Chính vì thế hãy nắm rõ nhất sức khỏe của doanh nghiệp mình, dòng máu ấy đang đi nuôi những bộ phận nào, sinh lời ra sao…
Sau nhiều lần đi gọi vốn, mình nhận thấy phụ nữ mà nắm vững tài chính và có một chiến lược tốt thì phần trăm nhà đầu tư rót vốn rất cao. Có lẽ đó cũng là điểm mạnh của phái nữ.
Một số cách gọi vốn
Hiện này chúng ta có nhiều cách thu hút dòng tiền như từ công đồng và chính khách hàng tiềm năng của mình.
Bản thân Đặng Thị Hòa đã thành công với cách gọi vốn từ chính khách hàng của mình, bằng cách bán sản phẩm được trả trước một năm cho họ.
Hòa chia sẻ: Với cách gọi vốn này, bạn hãy chỉ cho họ lợi ích đạt được nếu mua trả trước. Mình đã viết email trực tiếp tới khách hàng của mình và nói với họ rằng nếu họ thanh toán trước một năm, thì họ sẽ được mua với giá giảm 20%. Số tiền đó thực sự có rất quan trọng trong giai đoạn đầu với mình. Bạn đừng lo sẽ giảm doanh thu khi nhận tiền trước của khách hàng, vì càng sản xuất lâu bạn càng biết cách tiết kiệm chi phí và giá thành của bạn sẽ giảm.
Ngoài ra, còn có một số tổ chức bạn có thể xin hỗ trợ trong giai đoạn khởi nghiệp:
- Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ khởi nghiệp: BSA
- Hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia: ISEV
- Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp xã hội CSIP
- Trung tâm VCIC
Bạn có thể tham khảo và lựa chọn tùy theo từng lĩnh vực.