Những ngày cuối tháng 7/2019, công trình nhà xưởng để chế biến mật dừa của doanh nhân trẻ Thạch Thị Chal Thy đang dần thành hình sau một thời gian dài ấp ủ, đầu tư. Với Thy, khu nhà xưởng rộng 100m2 này mới chỉ là sự khởi đầu cho hoài bão của cô và chắc chắn nó sẽ được tiếp tục mở rộng trong tương lai.
Nói về quyết định khởi nghiệp của mình, Thy kể, vào năm 2017, duyên khởi nghiệp đến với cô trong thời gian Thy về quê để chuẩn bị sinh đứa con thứ hai. Tại thời điểm này, giá dừa ở Trà Vinh rớt xuống đáy, 12 trái dừa giá chỉ 20.000 đồng.
“Tôi suy nghĩ, Trà Vinh có diện tích trồng dừa rất rộng lớn nhưng nhà máy chế biến thì còn rất ít. Chính vì thế mà giá dừa luôn bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái. Vậy có cách nào để nâng cao giá trị của cây dừa, giúp cuộc sống của người nông dân tốt lên không”, cô gái trẻ nói.
Thạch Thị Chal Thy là cô gái đầu tiên trong dòng họ cuả mình đi học đại học, rồi thạc sỹ. Thy nói rằng, từ lúc mới bắt đầu đi học đại học thì cô cũng đã xác định sau này sẽ về quê để khởi nghiệp. Thực tế là cô đã thực hiện dự định của mình sớm hơn rất nhiều so với suy nghĩ ban đầu rất nhiều.
Để thực hiện cho quyết tâm khởi nghiệp của mình, Thy tìm hiểu các sản phẩm được chế biến từ dừa và thấy rằng có thể lấy được mật từ hoa dừa, đưa lại giá trình kinh tế gấp nhiều lần so với trồng dừa lấy trái. Với những kiến thức đã học được cùng với thực tế, những ý tưởng cứ thế hình thành trong tâm trí cô gái trẻ.
Để tạo nền tảng vững chắc hơn, Thy thuyết phục thêm các thành viên trong gia đình ủng hộ việc khởi nghiệp của mình bằng cách hằng ngày mở các video liên quan đến cách lấy mật hoa dừa và giá trị kinh tế mà nó mang lại. “Thật ra, từ nhỏ đến lớn thì ba mẹ em luôn rất ủng hộ con cái, không ngăn cản khi con quyết tâm làm điều gì đó. Tuy nhiên, trong việc này càng cần sự ủng hộ của ba mẹ, trong thời gian đầu thì cần ba mẹ đồng hành và cho phép thử nghiệm trên vườn dừa của gia đình”, Thy nói.
Vào năm 2018, Thy cùng với chồng và con trai quyết định rời TP.HCM với công việc ổn định để về quê bắt đầu một hành trình mới. Dĩ nhiên, quá trình khởi nghiệp không bao giờ dễ dàng…
Thời gian đầu là một chặng đường đầy khó khăn, nhất là tìm ra cách để hoa dừa cho mật. Trong 6 tháng đầu tiên, Thy thử nhiệm việc lấy mật hoa dừa trên một số cây dừa của gia đình và kết quả thì chỉ lấy được đúng duy nhất 1 lít mật. Hoa dừa không chịu ra mật vì cách lấy mật chưa đúng kỹ thuật.
Không nản lòng, Thy vẫn học hỏi, kiên trì và cuối cùng thì thành quả cũng đến. Bí quyết để hoa dừa cho mật dần được đúc kết. Đầu tiên, sẽ chọn những hoa dừa sắp nở rồi bó lại, để cho hoa dừa không bị bung ra, đồng thời tạo thuận lợi cho công đoạn chăm sóc và thu mật sau này. Sau khi bó, sẽ kéo đầu hoa chúc xuống để tạo hướng mật chảy xuống, công đoạn này được thực hiện một cách tỉ mỉ.
Theo Thạch Thị Chal Thy, để hoa dừa cho mật thì phải massage cho hoa bằng cách dùng tay xoa đều, sau đó dùng chày gõ với lực vừa đủ để kích thích tuyến mật. “Cây dừa cho mật tốt nhất là 4-10 tuổi. Phải chăm bón, tưới nước, massage hằng ngày thì hoa mới cho mật. Phải lấy chày nhỏ gõ vào để kích thích tuyến mật. Nhưng không được gõ mạnh vì sẽ khiến tuyến mật bị hư, gõ nhẹ quá thì cũng không ra mật”, Thy nói.
Sau công đoạn massage thì tiến hành cắt một lát mỏng trên bề mặt hoa dừa để cho cho mật chảy vào dụng cụ hứng. Việc thu mật được tiến hành vào mỗi buổi sáng, 1 hoa dừa sẽ cho 1 lít mật/ngày. Trong thời gian đầu, mật dừa lấy về được chế biến thủ công rồi phân phối đi các tỉnh/thành trong nước và tiêu thụ cả ở nước ngoài như Campuchia, Đài Loan, Nhật Bản.
Nhận thấy sản phẩm được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, kết hợp với sự nhạy bén của tuổi trẻ, Thy đã mạnh dạn vay mượn và tìm kiếm vốn từ nhiều nguồn khác nhau để quyết tâm xây dựng nhà xưởng theo quy trình chế biến hiện đại. Đến thời điểm hiện tại thì khu nhà xưởng cũng đã sắp hoàn thành với công suất khoảng 25 tấn/năm trong giai đoạn đầu. Thy cũng đã thành lập Công ty TNHH Trà Vinh Farm với sản phẩm mật hoa dừa làm chủ lực và đang nghiên cứu thêm một số sản phẩm khác cũng từ mật hoa dừa.
“Thật sự hành trình khởi nghiệp ban đầu cũng nhiều thách thức. May mắn là trước đây, tôi cũng đã hỗ trợ khởi nghiệp cho hai công ty nên có được ít nhiều kinh nghiệm. Tôi nghĩ rằng, khó khăn lớn nhất với bản thân khi khởi nghiệp là vấn đề tài chính”, Thy chia sẻ.
Như dự tính ban đầu, không chỉ dựa vào vườn dừa của gia đình, Thy cũng đã tiến hành liên kết với bà con nông dân trồng dừa ở địa phương để đảm bảo đủ nguồn mật dừa cho việc chế biến sản phẩm. “Việc trồng dừa lấy mật hoàn toàn khác với trồng dừa lấy trái. Điều tôi hướng đến là có được những vườn dừa liên kết đúng tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị cho cây dừa”, Thy nói.
Thạch Thị Chal Thy nhấn mạnh, khởi nghiệp nông nghiệp không thể nhanh được, phải mất khoảng 5 năm thì mới thấy được thành quả. “Tôi vẫn luôn hy vọng sản phẩm mật hoa dừa, đặc sản của Trà Vinh sẽ được người tiêu dùng đón nhận. Và nó sẽ được xuất khẩu đi Đài Loan, Nhật Bản… đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và cuộc sống tốt hơn cho người nông dân trồng dừa quê nhà”, Thy tâm sự.