Nữ thầy thuốc vượt 80 cây số đường rừng đến với người nghèo

26/02/2018 - 12:42
Chuyến đi hơn 80 cây số hôm đó phải mất 16 tiếng đồng hồ. Gặp trời mưa đường miền núi trơn trượt, làm bánh xe không bám vào mặt đường, nhiều lúc chị tưởng chừng như chiếc xe muốn rơi xuống vực sâu.
vov_nu_thay_thuoc_1_dxgo.jpg
Bác sĩ Huỳnh Thị Thủy (47 tuổi), Y sĩ đa khoa chuyên ngành Tâm thần, Bí thư Chi bộ, Trưởng Trạm Y tế phường Mân Thái, quận Sơn Trà (TP.Đà Nẵng).

 
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về nữ thầy thuốc Huỳnh Thị Thủy (47 tuổi), Y sĩ đa khoa chuyên ngành Tâm thần, Bí thư Chi bộ, Trưởng Trạm Y tế phường Mân Thái, quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) là gương mặt phúc hậu, trên môi lúc nào cũng nở nụ cười thân thiện dễ gần.

Vòng tay yêu thương của nữ thầy thuốc

Sau khi tốt nghiệp y sĩ đa khoa chuyên ngành Tâm thần, năm 1996 chị Thủy được điều động về công tác tại Trạm Y tế phường Thọ Quang. Hai năm sau đó, chị được thuyên chuyển về làm việc tại Trạm Y tế phường Mân Thái cho đến nay.

Tại thời điểm đó, đời sống của người dân trên địa bàn phường thu nhập chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản gần bờ cho nên kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, tình hình phức tạp về dịch bệnh, ốm đau, bệnh tật kéo dài có nhiều người mắc phải các căn bệnh mãn tính như: bệnh tâm thần, bệnh phong, bệnh lao…làm cho chất lượng cuộc sống của họ ngày càng trở nên khốn khó, thiếu thốn trăm bề.

Chị thấu hiểu nỗi đau về thể xác, tinh thần cũng như những hệ lụy của bệnh tâm thần đối với người mắc bệnh và cả gia đình họ. Thay vì trốn tránh chị mở lòng mình đón nhận và điều trị họ một cách chu đáo, tận tình.

Theo chị Thủy, bệnh tâm thần là một căn bệnh không bao giờ ra viện, hơn nữa người mắc phải bệnh này rất dễ bị kích động, thường xuyên lên cơn quậy phá, đánh đập, la lối om xòm…

Vì vậy cần phải biết an ủi, chia sẻ, động viên giúp bệnh nhân ổn định tâm lý. Bên cạnh đó, người bệnh phải thường xuyên được điều trị bằng thuốc, nếu không uống thuốc thì rất dễ bị tái phát, không những gây ra nguy hiểm cho chính bệnh nhân, cho gia đình họ mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội….

Với tấm lòng yêu thương người bệnh, trước hoàn cảnh quá khó khăn của một số bệnh nhân tâm thần, chị đã đứng ra vận động thành lập Chương trình “Vòng tay yêu thương”.

Theo chị Thủy, cho dù khó khăn vất vả và đầy hiểm nguy, khi hằng ngày phải tiếp xúc với nhiều bệnh nhân không bình thường, song Chương trình sẵn sàng tâm sự, sẻ chia, động viên cho từng trường hợp. Chương trình “Vòng tay yêu thương” được thành lập và đi vào hoạt động từ cuối năm 2007 cho đến nay.

Vượt đường rừng, đưa tiền từ thiện cho người nghèo

Nhớ lại những ngày đầu cách đây 11 năm khi thành lập Chương trình “Vòng tay yêu thương”, chị và các thành viên đã đi vận động quyên góp được 5 sổ tiết kiệm, trị giá 1 triệu đồng/sổ trao tặng cho 5 gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 20 suất gạo, mỗi suất 10kg tặng cho những người nghèo. 

Trong nhiều năm qua, chị luôn tạo mối quan hệ tốt với địa phương, các ban ngành đoàn thể, tổ chức xã hội…để có nhiều nguồn vận động quyên góp. Điều đáng nói, chị Thủy còn dùng đồng lương của mình để góp vào chương trình.

Không những hoạt động từ thiện ngay tại địa phương mình mà chị còn mở rộng đến tận Huế, Tam Kỳ, Hội An…

Bằng sự cố gắng, nhiệt tình và tâm huyết với công tác từ thiện, sau 10 năm đi vào hoạt động giờ đây Chương trình “Vòng tay yêu thương” đã trở thành địa chỉ nhân đạo đáng tin cậy.

Nhờ vậy, mà các hoạt động của Chương trình ngày càng được nhiều người ủng hộ, nguồn quỹ mỗi năm được duy trì và phát triển, hoạt động từ thiện của Chương trình được mở rộng đến nhiều đối tượng và địa bàn trong và ngoài thành phố.

vov_nu_thay_thuoc_2_yfzr.jpg


Tính từ năm 2008 đến nay, chị và các cộng tác viên của Chương trình đã vận động được hơn 1,2 tỷ đồng giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ cho hàng trăm mảnh đời bệnh tật, bất hạnh, khó khăn… trên địa bàn TP.Đà Nẵng và một số địa phương còn nhiều khó khăn ở các vùng núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Nam như các xã: Bhadau, Bhalua, A Vương…

Đặc biệt trong năm 2016, Chương trình “Vòng tay yêu thương” đã trao 540 suất quà với tổng giá trị 172 triệu đồng cho các hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, tổ chức 2 đợt phát cơm trưa cho bệnh nhân nghèo với kinh phí 7,5 triệu đồng.

Trong quá trình 10 năm làm công tác nhân đạo từ thiện, chị tiếp xúc nhiều bệnh nhân, được san sẻ yêu thương đầy tình người nhiều cảnh đời thương tâm, bất hạnh, nỗi đau người bệnh tâm thần, nỗi đau nạn nhân chất độc da cam…

"Những chuyến đi thiện nguyện đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp, ấn tượng nhất là chuyến đi bằng xe máy từ TP.Đà Nẵng lên thôn miền núi Alua, xã Giang, huyện Tây Giang (Quảng Nam) để trực tiếp trao số tiền 25 triệu đồng xây dựng nhà tình thương cho gia đình chị Zơ Râm Thị Hiệp", chị nhớ lại.

Chuyến đi được bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc 22 giờ đêm, cả đi lẫn về khoảng hơn 80 cây số phải mất 16 tiếng đồng hồ, hôm đó gặp trời mưa đường miền núi trơn trượt, làm bánh xe không bám vào mặt đường, nhiều lúc chị tưởng chừng như chiếc xe muốn rơi xuống vực sâu.

"Sau khi trao quà xong nhìn những nét mặt, nụ cười rạng rỡ, những lời cảm ơn chân thành mộc mạc, tôi thấy ấm lòng” – đó là một kỷ niệm đẹp, được chị Thủy bộc bạch.

Ông Phạm Thế Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Mân Thái: “Nhiều người dân tại địa phương khi nói về chị Thủy - Y tế, đều dành một tình cảm quý mến, yêu thương và trân trọng. Chị không chỉ năng nổ, tận tụy, trách nhiệm với những người bệnh tâm thần, mà còn có tấm lòng nhân ái, san sẻ yêu thương cho hoạt động thiện nguyện với những cảnh đời khốn khó, ốm đau, bất hạnh…trong xã hội suốt nhiều năm qua…”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm