pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ thi sĩ và tiếng thơ phản chiến
Ảnh chụp Priscilla Denise Levertov năm 1959
Denise sinh ra và lớn lên tại thị trấn Ilford ở phía Đông London, Anh quốc. Bà trưởng thành trong một gia đình chú trọng giáo dục và khích lệ con đọc sách. Chính điều này đã khơi gợi khả năng làm thơ của bà ngay từ nhỏ.
Một số tác phẩm đầu tay của bà đã được một số nhân vật văn học lớn thời đó như Thomas Stearns Eliot công nhận. Trong Thế chiến II, Denise theo học ngành y tá và dành 3 năm làm y tá dân sự tại một số bệnh viện ở London và vẫn tiếp tục sáng tác thơ.
Tập thơ đầu tiên của bà, "Bức ảnh đôi" (1946), được xuất bản ngay sau Thế chiến II. Năm 1947, bà gặp và kết hôn với nhà văn người Mỹ Mitchell Goodman và chuyển đến Hoa Kỳ cùng ông vào năm sau.
Lối viết thơ giản dị, không hoa mỹ, kèm với nhiều chủ đề đa dạng và gần gũi đã đưa thơ của Denise Levertov thành tâm điểm chú ý của thế giới.
Bà nhận nhiều ý kiến trái chiều về tác phẩm của mình nhưng việc đó không làm tinh thần thơ ca của bà lụi tàn.
Đến những năm 1960, khi Mỹ bắt đầu tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Denise cùng một số nhà thơ khác đã thành lập Phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam của các nhà văn và nghệ sĩ.
Nhiều tác phẩm thơ sau đó của bà như "Điệu nhảy sầu khổ" (1967), "Học lại bảng chữ cái" (1970)… đều đề cập đến các chủ đề xã hội và chính trị như Chiến tranh Việt Nam, giải trừ vũ khí hạt nhân…
Bên cạnh việc sáng tác thơ, sau đó là văn xuôi, tự truyện, Denise còn dạy học tại một số trường cao đẳng và đại học, dịch một số tác phẩm văn học, làm biên tập thơ cho tạp chí và xuất bản một số tập tiểu luận, phê bình.
Nhà văn Ray Olsen của tạp chí Booklist từng nhận xét về tuyển tập tiểu luận của bà: "Bên cạnh thơ ca, đây là tác phẩm lý tưởng để đọc cho những người yêu thơ ca".
Xuyên suốt sự nghiệp, bà đã nhận được nhiều danh hiệu, giải thưởng danh giá như Huy chương Robert Frost của Hội thơ ca Mỹ, khoản tài trợ từ Viện Nghệ thuật và Văn học Quốc gia Mỹ…
Nữ nhà thơ qua đời năm 1997, để lại cho nền văn học thế giới một khối lượng tác phẩm đồ sộ.