Nữ Tổng thư ký đầu tiên của Hội nghị Giải trừ quân bị Liên hợp quốc

16/08/2019 - 17:54
Là nữ Tổng Thư ký đầu tiên của Hội nghị Giải trừ quân bị, bà Tatiana Valovaya tin tưởng sẽ mang lại cách tiếp cận mới trong lĩnh vực giải trừ quân bị. Bà Valovaya nhấn mạnh Hội nghị là cơ chế đa phương quan trọng, là công cụ chính của cộng đồng quốc tế đàm phán các vấn đề giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí…
tatiana-valovaya-2.jpg
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng Phái đoàn Việt Nam Dương Chí Dũng (giữa) và bà Tatiana Valovaya - Tổng Thư ký đầu tiên của Hội nghị Giải trừ quân bị (kế bên trái)

 

Tại Trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sỹ), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng Phái đoàn Việt Nam Dương Chí Dũng đã chủ trì các phiên toàn thể cuối cùng dưới nhiệm kỳ Chủ tịch Hội nghị Giải trừ quân bị của Việt Nam diễn ra từ 24 đến 30/6 và từ 29/7 đến 18/8.
 
Tại phiên toàn thể, bà Tatiana Valovaya - Tổng Giám đốc Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva, lần đầu tiên tham dự với tư cách là Tổng thư ký Hội nghị Giải trừ quân bị, đồng thời là đại diện cá nhân của Tổng thư ký Liên hợp quốc tại Hội nghị. Phát biểu tại phiên họp, bà Tatiana Valovaya cảm ơn sự tin tưởng của Tổng thư ký Liên hợp quốc, sự đồng thuận của Hội nghị Giải trừ quân bị và vai trò điều phối của Đại sứ Dương Chí Dũng trên cương vị là Chủ tịch Hội nghị trong quá trình bổ nhiệm bà làm Tổng thư ký Hội nghị.
 
Bà Valovaya tự hào là nữ Tổng Thư ký đầu tiên của Hội nghị và tin tưởng sẽ mang lại cách tiếp cận mới trong lĩnh vực giải trừ quân bị. Bà Valovaya nhấn mạnh Hội nghị là cơ chế đa phương quan trọng, là công cụ chính của cộng đồng quốc tế đàm phán các vấn đề giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí trong 40 năm qua, đồng thời cam kết ủng hộ tối đa đối với công việc của Hội nghị trong thời gian tới.
 
tatiana-valovaya-1.jpg
Bà Tatiana Valovaya

  

Bà Valovaya đã có hơn 37 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí, ngoại giao. Bà từng tốt nghiệp khoa Quan hệ kinh tế quốc tế của Học viện tài chính Moscow (Nga). Bà có bằng tiến sĩ triết học và khoa học kinh tế tại Học viện tài chính nhà nước Moscow. Sau thời gian làm phóng viên cho tờ báo kinh tế Moscow (1983-1989), bà đã làm Thư ký thứ ba và thứ hai tại Phái bộ thường trực của Liên minh châu Âu tại Brussels (1989-1994) và Phó Giám đốc, Giám đốc Vụ Hợp tác quốc tế (1999-2012). Bà còn là Thành viên của Hội đồng Quản trị và Bộ trưởng phụ trách hội nhập và kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế Á-Âu, cơ quan điều hành của Liên minh Kinh tế Á-Âu.
 
Cuối phiên toàn thể ngày 15/8, trước khi kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam, Đại sứ Dương Chí Dũng đã dành thời gian đánh giá kết quả đạt được, những nội dung thảo luận chính nhằm xác định các nhân tố phù hợp để xây dựng chương trình làm việc của Hội nghị trong tương lai. Các nước thành viên đánh giá cao, cho rằng Việt Nam đã thành công khi đem lại không khí tích cực, cân bằng, mang tính xây dựng cho các hoạt động tham vấn song phương và đa phương, khéo léo điều hành các phiên toàn thể của Hội nghị và tạo thuận lợi để các nước trao đổi thực chất, cởi mở về quan điểm đối với nhiều vấn đề nhạy cảm. Việt Nam đã đề xuất nguyên tắc về tính tiếp nối và chủ động thúc đẩy tham vấn với các nước Chủ tịch trong năm 2020 nhằm bảo đảm duy trì chương trình làm việc và các nội dung thảo luận của Hội nghị giữa các nhiệm kỳ Chủ tịch trong các năm. Đề xuất này được các nước rất quan tâm, thảo luận sâu và cho rằng đây là một hoạt động quan trọng nên được các nước Chủ tịch tiếp theo triển khai thực hiện. Kết thúc Hội nghị, Đại sứ Dương Chí Dũng bày tỏ hy vọng và tin tưởng rằng những nội dung thảo luận thực chất trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam và các đánh giá, đề xuất khách quan, mang tính xây dựng của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Hội nghị năm 2019, sẽ tạo động lực cần thiết và tính tiếp nối để Hội nghị có thể đạt được các kết quả thực chất trong tương lai gần.
 
Tại phần thảo luận đề mục 3 của Hội nghị Giải trừ quân bị về “Ngăn chặn chạy đua vũ trang ngoài không gian”, đại diện các nước thành viên đã tập trung thảo luận về sự cần thiết của việc ngăn chặn va chạm, xung đột và quân sự hóa ngoài không gian, trong bối cảnh trình độ khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng khiến cho ngày càng có nhiều chủ thể nhà nước và phi nhà nước, đủ khả năng tiếp cận vào không gian vũ trụ với cả mục đích dân sự lẫn quân sự.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm