pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Nữ tướng" Agribank trải lòng chuyện "đằng sau người phụ nữ làm lãnh đạo là... gì?"
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Agribank)
Bà Nguyễn Thị Phượng, bộc bạch:
Có người nói: "Đằng sau người đàn ông thành đạt là người phụ nữ chu toàn; Đằng sau người phụ nữ làm lãnh đạo là sự cô đơn". Không biết có bao nhiêu nữ lãnh đạo, quản lý trong chúng ta đồng ý với câu nói ấy. Với tôi, mệnh đề sau được chuyển hóa thành "Phía sau người phụ nữ làm lãnh đạo là người đàn ông thấu hiểu".
Hành trình "trải đầy than hồng"
Thật vậy, đối với phụ nữ Việt Nam sống trong môi trường văn hóa Á Đông, yếu tố hậu phương, gia đình luôn được đề cao. Được gia đình ủng hộ là nền tảng quan trọng nhất, là điểm tựa để người phụ nữ phấn đấu trong học tập và công tác. Đổi lại, phụ nữ Việt Nam làm lãnh đạo, quản lý sẽ phải cố gắng gấp 3 lần, đó là:
Thứ nhất, phải chu toàn trong gia đình (với chồng con, họ hàng bên nội, bên ngoại) để không bị chê trách. Nếu không được gia đình ủng hộ, người phụ nữ sẽ không nhận được sự chia sẻ, có nguy cơ bị rơi vào trạng thái cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.
Thứ hai, phải sắp xếp quỹ thời gian khoa học và hợp lý để cùng với quỹ thời gian như nhau, người phụ nữ làm tốt được 5 việc (gia đình yên ấm, công việc chu toàn, không ngừng trau dồi tích lũy kiến thức cá nhân, rèn luyện chăm sóc sức khỏe và cả … giữ gìn sắc vóc ngoại hình);
Thứ ba, phải biết xây dựng mối quan hệ xã hội, quan hệ công tác, đủ "quảng giao" trong điều kiện những định kiến về giới vẫn còn tồn tại và quỹ thời gian hạn hẹp.
Vừa làm hậu phương vững chắc cho chồng, vừa nuôi dạy con cái trưởng thành, vừa làm tròn bổn phận của người con dâu hiếu thảo, lại vừa phấn đấu trong xã hội, con đường đi của người phụ nữ làm lãnh đạo quản lý là một hành trình "trải đầy than hồng" (chứ không phải là một con đường trải hoa hồng). Nếu xét về thuận lợi và khó khăn thì chắc chắn khó khăn nhiều hơn gấp bội. Đó là lý do tại sao không chỉ riêng ở Việt Nam, tỷ lệ nữ làm lãnh đạo quản lý luôn rất khiêm tốn so với nam giới.
Với những ưu thế riêng, làm đạo nữ thường có khả năng quán xuyến công việc tốt, đủ tâm lý, khiêm nhường, nhẹ nhàng và khéo léo để chỉ đạo điều hành và xử lý công việc; nhạy cảm trong lường đoán, soát xét kỹ lưỡng, lắng nghe thông tin đa chiều, dung hòa được các mối quan hệ nên nhìn chung các quyết định về chuyên môn đều được đánh giá là có độ an toàn, chặt chẽ.
Tuy nhiên, những ưu thế này cũng dễ trở thành điểm yếu nếu người lãnh đạo nữ để cảm xúc chi phối quá trình chỉ đạo xử lý công việc, hoặc thiếu quyết đoán trong những tình huống cần ra quyết định kịp thời. Nếu quá cầu toàn, lãnh đạo nữ cũng tự tạo ra áp lực cho bản thân và cấp dưới, dẫn đến tâm lý ngại làm việc dưới quyền 1 lãnh đạo nữ.
Dù làm lãnh đạo... phụ nữ là phải đẹp!
Thách thức đối với người phụ nữ vươn lên làm lãnh đạo là phải nỗ lực gấp nhiều lần để khẳng định năng lực chuyên môn, đồng thời thể hiện được bản lĩnh, rèn luyện cho mình 1 tinh thần thép để đối mặt với khó khăn, thể hiện được tầm, tâm và nghị lực của người lãnh đạo. Đó là lúc người lãnh đạo nữ phải vượt lên chính mình, rèn luyện và tích lũy những tố chất cần thiết của người lãnh đạo quản lý. Có những khi phải gồng lên, nén vào lòng những cảm xúc và cả những giọt nước mắt, giấu đi những nỗi lo toan trong gia đình để giữ hình ảnh của một người lãnh đạo chuẩn mực, nghiêm khắc trong công việc, sẵn sàng chịu trách nhiệm cá nhân trước nhiệm vụ được giao.
Trong quan hệ công tác, lãnh đạo nữ thường cố gắng xây dựng mối quan hệ chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ lẫn nhau. Dù làm lãnh đạo, người phụ nữ vẫn luôn phải ý thức về đặc điểm riêng "Phụ nữ là phải đẹp", nhưng chuẩn mực về vẻ đẹp của người phụ nữ làm lãnh đạo có một chút khác biệt với chuẩn đẹp thông thường: Đó là vẻ đẹp của tâm hồn, trí tuệ, phong cách lãnh đạo và vẻ đẹp thần thái.
Nói tóm lại, để làm được cả 2 vai, người phụ nữ làm lãnh đạo phải cân bằng được giữa công việc và cuộc sống gia đình. Điều đó chứng tỏ sức chịu đựng áp lực của phụ nữ không hề nhỏ. Tuy vất vả, nhưng trong môi trường xã hội đang ngày càng thay đổi hiện nay, chị em phụ nữ ngày càng khẳng định giá trị bản thân ở trong gia đình và ngoài xã hội. Lãnh đạo nữ cũng như các chị em ở mọi vị trí công tác đều cần sự chia sẻ, ủng hộ của gia đình, đồng thời mong muốn nhận được sự đánh giá công bằng và khách quan ở cơ quan đơn vị, nhất là từ lãnh đạo cấp trên. Khi được đánh giá đúng và được cấp trên tin tưởng, chị em sẽ có động lực để đóng góp nhiều hơn trí tuệ, công sức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời góp phần quan trọng xây dựng môi trường văn hóa ở cơ quan, đơn vị.
Trong lĩnh vực kinh tế, đang có ngày càng nhiều lãnh đạo cấp cao là nữ hoặc là chủ doanh nghiệp lớn, thành công trên thương trường. Trong ngành Ngân hàng, với trên 50% lực lượng cán bộ là phụ nữ, nhiều chị em đang giữ các vị trí lãnh đạo quan trọng. Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng đông đảo chị em phụ nữ ngày nay có đủ khả năng tự quyết định tương lai của chính mình. Bình đẳng giới không thể nào có được từ những cuộc vận động hay lời kêu gọi chung chung, mà bình đẳng giới phụ thuộc vào thái độ sống của chị em chúng ta, do chính chúng ta lựa chọn và quyết định.
Phụ nữ làm lãnh đạo, quản lý là xác định phải chấp nhận khó khăn vất vả nên tôi mong rằng chị em luôn phải mạnh khỏe, cân bằng cuộc sống, suy nghĩ tích cực để luôn cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được là Phụ nữ.