pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ tướng phải đóng bỉm để nghiên cứu chế ngự virus
Thiếu tướng Chen Wei
20 năm gắn bó với nghiên cứu virus
Sinh ra và lớn lên tại thành phố Lan Khê, tỉnh Chiết Giang, bà Chen Wei tốt nghiệp Đại học Chiết Giang chuyên ngành hóa học năm 1988, sau đó theo học cao học tại Đại học Thanh Hoa. Năm 1992, bà gia nhập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), trở thành chuyên gia nghiên cứu virus tại Học viện Quân Y. Năm 1989, bà gặp người chồng tương lai Ma Yiming, lúc đó đang là kỹ thuật viên tại một nhà máy rượu ở Thanh Đảo. Nhằm hỗ trợ nghiên cứu của vợ, ông Ma Yiming đã đảm nhận hết việc nhà. Khi bà Chen và nhóm nghiên cứu của mình phải cách ly để phát triển thuốc xịt mũi năm 2003, đứa con trai 4 tuổi đã không gặp mẹ suốt nhiều tháng.
Năm 2013, bà Chen Wei được bầu làm Đại biểu Quốc hội Trung Quốc, đại diện cho PLA. 2 năm sau, bà được phong hàm thiếu tướng. Năm 2018, bà được bầu làm Ủy viên Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Toàn quốc (Chính hiệp) Trung Quốc, cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của đất nước.
Từ dịch SARS đến Ebola, bà Chen đã dành hơn 2 thập niên để chiến đấu chống lại nhiều chủng virus nguy hiểm. Khi dịch SARS bùng phát tại Trung Quốc năm 2003, bà Chen cùng đội nghiên cứu đã nhanh chóng cô lập được virus và xác định nguyên nhân gây bệnh. Để đánh giá tính hiệu quả của mẫu thuốc điều trị tiềm tàng nào đó, nữ tiến sĩ này đã dành 6-8 tiếng/ngày trong phòng thí nghiệm vô trùng. "Trước mỗi lần bước vào buồng thí nghiệm, tôi cố nhịn ăn, nhịn uống. Đôi khi tôi cũng đóng bỉm của người lớn cốt để có thời gian làm việc ở bên trong lâu hơn", bà Chen chia sẻ.
Quãng thời gian nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm kéo dài gần 6 tháng. Rất may, mẫu thuốc xịt mũi do tiến sĩ Chen và đồng nghiệp phát triển đã thành công, giúp khoảng 14.000 bác sĩ tuyến đầu an toàn trước nguy cơ lây nhiễm.
Bà Chen đã đóng vai trò không nhỏ trong các nỗ lực cứu trợ cho trận động đất ở Tứ Xuyên năm 2008 và đại dịch Ebola 2014-2016 ở Tây Phi. Sau dịch SARS, người phụ nữ cương trực này lại hướng sự chú tâm sang Ebola, loại virus chết người, cướp đi mạng sống của hơn 10.000 nạn nhân trên khắp thế giới. Tiến sĩ Chen đã có lần lý giải, Trung Quốc chỉ "cách" Ebola một chuyến bay xa nên cần phải bắt tay hành động sớm.
Bà Chen cũng từng phát triển loại vaccine để chống lại dịch Eloba. Nữ tướng Chen Wei là một chuyên gia phát triển vaccine tái tổ hợp dựa trên phương pháp gene đầu tiên của thế giới. Bà đã dùng một loại virus hoặc vi khuẩn vô hại để đưa vật liệu di truyền của mầm bệnh vào cơ thể để tăng cường khả năng miễn dịch. Năm 2015, Chen Wei cùng nhóm nhà khoa học lên đường tới Sierra Leone và bắt tay vào giai đoạn hai thử nghiệm lâm sàng. Sau không biết bao ca thử nghiệm và cả những sai sót, mẫu vaccine do nhóm nghiên cứu, phát triển đã chứng minh được độ an toàn và tính hiệu quả. Ngày 19/10/2017, Trung Quốc chính thức cấp phép sử dụng cho loại vaccine ngừa Ebola do nhóm nghiên cứu của Chen Wei phát triển.
Đi đầu trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19
Tiến sĩ Chen được triệu tập và điều động tới Vũ Hán, tâm dịch Covid-19 tại Trung Quốc giữa tháng 1/2020 cùng nhóm nhà khoa học quân sự hàng đầu, chỉ đúng một ngày sau Tết Âm lịch. Bà và các đồng nghiệp trong đội nghiên cứu ngay lập tức lao vòng phòng thí nghiệm dã chiến để thực nghiệm nghiên cứu và xét nghiệm. Hiện bà Chen đang dẫn dắt "cuộc chiến" từ Viện Virus học Vũ Hán - một phòng thí nghiệm có phân loại an toàn sinh học cao nhất (cấp 4) tại Trung Quốc. Nhóm chuyên gia tranh thủ từng giây từng phút để tập trung nỗ lực cho công tác nghiên cứu khoa học khẩn cấp, nhằm đẩy lùi dịch Covid-19.
Bà Chen Wei-người dẫn đầu nhóm chuyên gia Trung Quốc phát triển vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên của nước này. Vaccine này đã được thử nghiệm trên người. Trong những ngày đầu, nhóm nghiên cứu của bà Chen đi vào nghiên cứu phương pháp điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 bằng huyết tương, một liệu pháp sau đó được thừa nhận chính thức. Trong báo cáo, bà Chen nói rằng một số nhân viên y tế ở Vũ Hán cũng đã sử dụng thuốc xịt mũi do nhóm của bà phát triển trong đợt bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002-2003 để giúp họ không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng liệu pháp này khó có thể được sản xuất hàng loạt do những khó khăn về kỹ thuật và kinh phí. Sau đó, nhóm chuyển sang nghiên cứu, phát triển vaccine. Đúng 50 ngày sau, mẫu vaccine đầu tiên do Trung Quốc phát triển đã sẵn sàng để đưa vào thử nghiệm lâm sàng.
Trong quá trình tiền thử nghiệm lâm sàng, vaccine của nhóm chuyên gia của bà Chen Wei cho thấy hiệu quả và an toàn. Theo đó, loại vaccine đang được nhóm của bà Chen phát triển phối hợp với Tập đoàn Công nghệ sinh học CanSino Biologics có trụ sở tại Thiên Tân thực hiện.
Bà Chen cho biết, vaccine là sản phẩm đặc biệt và hết sức quan trọng đối với công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh. "Chúng tôi phải nỗ lực để đưa vaccine mà mình đang nghiên cứu vào thử nghiệm lâm sàng và ứng dụng, nhằm chiến thắng Covid. Khoác lên mình bộ quân phục đồng nghĩa với cống hiến tất cả vì công việc. Tôi muốn mang tất cả sức lực, trí tuệ của mình tới phòng thí nghiệm, đem lại hy vọng cho mọi người đang sinh sống ở những khu vực bị virus hoành hành", tiến sĩ Chen chia sẻ với báo giới.
Tiến sĩ Chen được xem là nhà khoa học hàng đầu của Trung Quốc trong cuộc chiến chống Covid-19 nhờ kiến thức, kinh nghiệm phong phú từ các đợt dịch trước. Bà là người đầu tiên tham gia thử nghiệm lâm sàng mẫu vaccine do nhóm nghiên cứu của mình nghiên cứu, phát triển, giống như những gì bà đã từng làm với phương pháp điều trị SARS trước đây. Tên tuổi của của Thiếu tướng Chen Wei trở nên nổi bật sau khi đảm nhận cương vị trưởng nhóm phát triển mẫu vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên tại Trung Quốc. Dữ liệu cho thấy cụm từ khóa hashtag và các dòng chia sẻ liên quan đến nội dung #China’s first coronavirus vaccine approved for clinical trials# (#Vaccine đầu tiên của Trung Quốc được cấp phép thử nghiệm lâm sàng#) đã nhận được 520 triệu view, cùng hơn 127.000 bình luận trên nền tảng mạng xã hội Weibo.
Bà Chen Wei nói với tờ nhật báo China Daily rằng nếu kết quả ban đầu chứng minh vaccine là an toàn và tạo ra hiệu quả mong muốn, Trung Quốc sẽ tìm cách thử nghiệm vaccine ở nước ngoài nếu dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng trên toàn cầu.