Con đường đến với Vệ quốc quân của cô bé Vũ Thị Nhâm cũng như những thiếu niên khác sống cùng nhau trên bãi Phúc Tân (Hà Nội), đó là muốn trả thù những kẻ đã đốt cháy nhà mình.
Nhâm mồ côi mẹ, anh trai là chiến sĩ biệt động nội thành 17 tuổi Vũ Đình Lân nhưng sau đó bị giặc Pháp bắt và đem bắn. Chị gái và anh rể của Nhâm đều tham gia lực lượng quyết tử cho Thủ đô nên từ bé Nhâm đã noi gương anh chị. Trong số hơn 170 Vệ út của Hà Nội thời đó, chỉ có duy nhất Nhâm là nữ.
‘Các Vệ út lúc đó mới hơn 10 tuổi. Cuộc sống chủ yếu gắn bó với chiếc hòm đánh giày hay ổ bánh mỳ… chưa biết giao liên là gì. Ấy thế mà chỉ vài ngày sau khi vào đội, các Vệ út sẵn sàng lao đi làm nhiệm vụ, kể cả dưới những làn lửa đạn, nhất là trong những ngày cuối cùng của 60 ngày đêm, cuộc chiến giữa ta và quân Pháp ngày càng ác liệt. Nhiều chiến công lớn đã được lập, trong đó có sự góp sức của những Vệ út’, nữ Vệ út Vũ Thị Nhâm sau này nhớ lại.
Vệ út Vũ Thị Nhâm năm 1950 tại Việt Bắc. |
Cũng như những Vệ út khác, công việc của cô bé Nhâm là đưa cơm cho các chiến sĩ giữ chốt, liên lạc, truyền tin, dẫn đường…‘Chúng tôi bé nhỏ, luồn lách qua các lỗ tường, chạy thật nhanh qua các dãy phố. Trên sân gác cao là bọn Việt gian cầm súng nhắm sẵn, nếu không đủ nhanh nhẹn, sẽ bị bắn gục trên phố’, bà Nhâm hồi tưởng.
Tháng 12/1946, trước ngày toàn quốc kháng chiến, cô bé Nhâm lúc đó mới 13 tuổi được phân công trong đội cứu thương cảm tử ở Tiểu đội Trường Ke. Điểm chốt này là cửa ngõ huyết mạch để nhận lệnh chỉ đạo, lương thực, vũ khí chuyển từ ngoại thành vào qua cầu Long Biên.
Tối 14/1/1947, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô làm lễ Quyết tử tại rạp Chuông Vàng, những em nhỏ Vệ út cũng làm lễ thề ‘hy sinh đến giọt máu cuối cùng không rời Hà Nội’.
Một trong những chiến công Vệ út Vũ Thị Nhâm nhớ nhất là trận đánh tiêu diệt địch vào sáng ngày 7/2/1947 tại chốt Trường Ke, khu Đông Kinh Nghĩa Thục. Hôm đó, giặc Pháp tập trung ở đây đông một cách bất thường. Vừa kịp băng qua giao thông hào cấp báo thì chúng đã bao vây 3 mặt để đánh úp chiến lũy Trường Ke: xe tăng và xe thiết giáp tiến vào đường Trần Nhật Duật và Đào Duy Từ, còn bộ binh từ Hàng Chiếu thọc vào bên sườn, nổ súng bắn như vãi đạn. Lúc này phía ta chỉ có 15 chiến sĩ và mấy khẩu tiểu liên, buộc phải xin cứu viện. Ban chỉ huy Tiểu đoàn ở bên kia phố nhưng phải đi xuyên qua làn lửa đạn của địch mới tới.
Trong lúc nguy cấp, bà định lao đi xin cứu viện thì Trần Ngọc Lai, một Vệ út cùng đơn vị mới 12 tuổi, cản lại: ‘Chị để em đi!’. Giữa những làn lửa đạn, Lai như con sóc lao vụt ra ngoài. Đôi tay nhỏ nhắn của Lai bám thoăn thoắt vào đường máng dẫn nước tụt nhanh xuống vượt qua làn đạn của địch chạy nhanh về phía ban chỉ huy Tiểu đoàn bên kia phố. Hơn 10 phút sau, Lai trở về cùng đoàn quân cứu viện. Giặc Pháp thất bại với kế hoạch đánh úp Trường Ke, trong khi ta không có thương vong nào lớn.
Nhiều năm đã trôi qua nhưng bà Vũ Thị Nhâm không khỏi bồi hồi xúc động khi nhớ về những đồng đội năm xưa. |
Sau đợt tấn công này, quân Pháp biết có một thiếu niên làm giao liên đã dũng cảm cắt làn đạn đi xin quân cứu viện nên viên chỉ huy ra lệnh binh lính phải bao vây bắt sống người giao liên dũng cảm đó.
Trong một lần lao đi tìm cứu viện, Lai lọt vào vòng vây của lính Pháp. Giặc quyết bắt sống nên tràn tới nhưng Lai không hề nao núng, tháo ngay ngòi nổ quả lựu đạn và ném về phía quân Pháp. Một tiếng nổ chát chúa, 3 tên Pháp nằm sóng soài trên mặt đất, những tên khác kinh hãi lùi ra xa. Lai cũng từ từ gục xuống. Một dòng máu đỏ chảy dài và thấm đẫm chiếc áo mỏng Lai đang mặc. Những tiếng thét ‘Trả thù cho em Lai’ vang dậy cả Trường Ke xen lẫn tiếng lựu đạn, tiếng súng nổ ầm ầm. Cậu bé Trần Ngọc Lai đã anh dũng hy sinh trong những ngày cuối cùng của 60 ngày đêm quyết tử cho Tổ quốc, khi cuộc chiến giữa ta và giặc Pháp ngày càng ác liệt.
Bà Vũ Thị Nhâm sau đó được cử đi học y tá và theo chiến dịch Điện Biên Phủ làm nhiệm vụ sơ cứu thương binh tại chiến trường. Ngày tiếp quản Hà Nội, bà không có mặt nhưng tất cả nỗi vui mừng và xúc động lớn lao về sự kiện ấy mãi mãi thiêng liêng và âm vang trong cuộc đời bà.
Đến tận sau này, một bài thơ mà bà Vũ Thị Nhâm xem là báu vật chẳng lửa đạn hay thời gian nào đốt cháy được. Đó là bài thơ của một anh Vệ quốc quân tặng bà trong những ngày khói lửa khi bà khóc nhớ nhà:
Em mới tuổi mười ba
Tuy bé lòng hăng hái
Bỏ nhà quyết xông pha
Nắng mưa quen dãi dầu
Đói rét dạ chẳng sờn
Bố mẹ nhà hiu quạnh
Mong đợi đứa con thơ
Ngoài kia súng còn nổ
Chinh chiến gác tình quê
Ngày mai vui độc lập
Mẹ ơi con sẽ về!