pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nước mắt ở tâm dịch Chí Linh: Con 7 tuổi đi cách ly, bố chồng nguy kịch ở bệnh viện
Học sinh tiểu học ở Chí Linh bị cách ly. Ảnh: VTV sức khỏe
Những ngày này, chị Nhung lúc nào cũng thấp thỏm, lo âu, đứng ngồi không yên. Nhà ở giữa tâm dịch nên xóm chị đã bị phong tỏa từ hơn 1 tuần nay. Từ lúc đó, chị đã xác định, việc buôn bán ngưng trệ nên sẽ là một cái Tết nghèo, vậy chỉ cầu mong gia đình mạnh khỏe, bình an khi đầy những F1, F2 ở trong xóm, xung quanh nhà.
2 hôm trước, khi nghe tin bạn cùng lớp với con trai chị (trường tiểu học Lê Lợi) bị Covid-19, do nhiễm từ người nhà, chị Nhung như ngã quỵ. Suốt mấy ngày trước đó, chị và các phụ huynh trong lớp lo lắng, hồi hộp chờ kết quả xét nghiệm từ học sinh này. Dù chuẩn bị trước tinh thần với con trai rằng có thể con sẽ phải xa bố mẹ, con sẽ phải đi cách ly cùng các bạn nhưng khi nhận tin xấu đó, chị khóc ngon lành.
Nghĩ đến cậu con trai vẫn đang mệt vì bị cảm cúm, lại phải túi lớn túi nhỏ đi vào khu cách ly mà không có phụ huynh đi cùng, chị xót xa con vô cùng. "Nếu có một vài phụ huynh được đi cùng để chăm sóc các con thì chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn. Đằng này, chỉ có cô giáo chăm sóc các con, phụ huynh chúng tôi lo lắm chứ. Như con trai tôi bị ốm nhưng không dám nói với cô. Ở nhà, bố mẹ mới biết con ốm đau ra sao, ở nơi cách ly, con nào cũng đeo khẩu trang, lại phải lo cho rất nhiều con, cô không thể quán xuyến hết được. Hôm nay gọi điện cho con, tôi bảo con tháo khẩu trang thì thấy mặt con sưng húp híp mà thương con vô cùng. Lúc đấy, tôi mới nhờ cô để ý đến con nhiều hơn vì con đang ốm".
Chị Nhung chia sẻ, con trai chị là con đầu nên bé khá tự lập, chính vì vậy chị không quá lo lắng với việc ăn ngủ của con. Thế nhưng, nghe con mếu máo nói nhớ mẹ, chị cảm thấy nghẹn ngào. "Các con được ăn uống đầy đủ, hoa quả và sữa cũng không thiếu. Ở đó, các con được tập thể dục, múa hát, vẽ tranh. Mới 2 ngày đầu, lại có các bạn bên cạnh nên các con dù nhớ bố mẹ, nhớ nhà nên các con vẫn vô tư. Chỉ lo, với thời gian cách ly 21 ngày, không biết những đứa trẻ 7 tuổi có chịu được không. Một đứa trẻ khóc vì nhớ nhà, cả lớp sẽ ùa nhau khóc, tội các con ghê".
Chị Nhung cho biết, gia đình chị năm nay coi như mất Tết vì bị "chia năm xẻ bảy". "Nhà tôi có 4 người thì con trai 7 tuổi ở trong khu cách ly (tại trường mầm non của xã), chồng tôi lên Hà Nội chăm sóc bố chồng tôi đang nguy kịch, bị hôn mê cả tuần nay ở bệnh viện Việt Đức, tôi và con nhỏ là F2 bị cách ly trong nhà. Gia đình chúng tôi xác định là mất Tết. Cả tuần nay, xóm bị phong tỏa nên tôi không chợ búa được gì. Cũng may, hôm trước tôi mua được 2kg thịt lợn cất vào tủ lạnh. 2 kg thịt lợn đó vừa để "ăn Tết", vừa để ăn hàng ngày trong mấy tuần "bị nhốt" trong nhà. Giờ nghĩ đến Tết là điều quá xa xỉ với tôi, điều tôi chỉ nghĩ mỗi ngày là mong cho con trai được khỏe mạnh, không bị Covid-19, mong bố chồng tôi thoát khỏi cơn nguy kịch, chóng hồi phục để cả nhà yên tâm hơn. Chỉ mong cả nhà được đoàn tụ, mạnh khỏe thì lúc đấy "Tết mới về".
Theo chị Nhung, không chỉ nhà chị mất Tết mà cả làng chị không có Tết. Bởi, ở tâm dịch nên nhà nào cũng có người bị F0, F1, F2, cả làng đều là các F. "Cả xóm, nhà nào cũng có người đi cách ly. Có nhà đi cách ly cả nhà, Tết không có người hương khói. Nhà thì người cách ly ở khu tập trung, người cách ly ở nhà. Có nhà chia làm mấy nơi cách ly. Chỉ mong dịch Covid-19 được kiểm soát nhanh, không có ca mới tại vùng dịch này chứ bà con mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng lắm rồi", chị Nhung ngậm ngùi chia sẻ.