Cho đến nay, dường như vết thương lòng của cô gái trẻ Lầu Thị Cán, ở tỉnh Lai Châu đã nguôi ngoai rất nhiều, khi cô và con gái 2 tuổi được sống trong vòng tay yêu thương của bố mẹ và anh chị em ruột thịt ở nhà ngoại.
Cán là con út trong gia đình 5 anh chị em. Cô xinh xắn, học giỏi, nhưng nhà nghèo, đông anh chị em, nên cô nghỉ học khi hết cấp 2 giống như các anh chị mình để giúp bố mẹ làm nương rẫy. Cán nghẹn ngào chia sẻ: Hai đứa yêu nhau được gần 2 năm, thì em lỡ dính bầu. Nhà chồng em theo đạo thiên chúa, lúc có bầu em mới 17 tuổi, chồng em 19 tuổi, nên không đủ tuổi để cưới bên nhà chồng. Đám cưới chỉ diễn ra bên nhà gái, còn bên nhà trai chỉ làm lễ ăn hỏi.
Cưới xong bên nhà gái, em phải thay váy cưới, mặc quần áo bình thường để về nhà chồng ra mắt họ hàng trong lặng lẽ. Không được bố mẹ chồng trao quà cưới, chúc phúc, không được chụp ảnh cùng bạn bè, em chấp nhận tất cả, vì em nghĩ cho đứa con trong bụng của mình, nên gắng chịu thiệt thòi, miễn là sau này con mình có đủ bố mẹ.
Nhà em và nhà chồng cách nhau gần 60 km, cũng không phải đường xá xa xôi lắm. Dù không được cưới xin đàng hoàng, nhưng em vẫn cùng chồng đi chụp ảnh cưới để treo trong phòng 2 vợ chồng, với mong muốn cuộc hôn nhân luôn tròn vẹn, hạnh phúc bên nhau. Lúc đầu anh bảo, tiền chụp ảnh cưới là bên nhà trai sẽ lo, nhưng lúc đi lấy ảnh, anh bảo bố mẹ không cho tiền lấy ảnh. Em cũng không có tiền, đành phải bán vàng cưới của mẹ đẻ vừa cho để lấy 2 tấm ảnh cưới về treo ở nhà trai và nhà gái.
Thực tế thì nhà chồng em nghèo lắm, không có điều kiện, nên em cũng không dám trách gì chồng.
Từ ngày lấy chồng, hầu như ngày nào 5h 30 em cũng dậy nấu ăn sáng cho cả nhà, em quét dọn nhà cửa sạch sẽ, cho bò, lợn ăn. Hôm nào em mệt, ngủ quên đến 6h dậy là bị mẹ chồng chửi bới om sòm, rằng con dâu mất nết, ngủ trương nứt mắt đến trưa mới dậy. Em rất ấm ức, vì em có ngủ đến 7 giờ sáng lúc nào đâu?
Em vẫn cố làm tất cả công việc nhà, đến mùa gặt dù em chửa vượt mặt 7 – 8 tháng, vẫn phải ra đồng, lên nương cùng mẹ chồng gặt lúa. Ở nhà có chị dâu, nhưng chị không làm gì ngoài chơi với con 5 tuổi. Trong khi em đi gặt, thì phải căn giờ để 11h em về nấu cơm cho cả nhà.
Lúc còn khoảng 3 tuần nữa em sinh con, mẹ chồng hỏi: Mày đã tính lúc đẻ thì về bên ấy hay ở đây đẻ chưa? Em chưa kịp trả lời, bà nói: “Nếu mày đẻ bên này, thì tiền viện phí vợ chồng mày tự đi mà lo…”. Em hiểu ý bà, nên trả lời: “Dạ, vậy con xin bố mẹ cho con về bên ngoại sinh đẻ, con cũng không có tiền…”.
Bà cười bảo: Vậy mày thu xếp lúc gần đẻ thì về bên ấy cho tiện nhà ngoại giúp đỡ. Mẹ con cứ ở bên ấy chơi cho con cứng cáp 1-2 tháng lại về bên này cũng được.
Sắp đến ngày sinh con, em bắt xe về quê đẻ, nhưng đến cả tiền xe mẹ chồng cũng không đưa cho đồng nào, dù bà biết trên người em không có 1 xu dính túi. Chồng em đi làm công nhân, nhưng lại chơi bời cờ bạc hết, không đỡ gì cho vợ. Về gần đến nhà, em gọi bố ra trả tiền xe, bố đón em bầu to vượt mặt về nhà 1 mình mà rơm rớm nước mắt.
Toàn bộ tiền đẻ, tiền ăn uống, sắm bỉm tã đều do nhà ngoại lo hết. Vì em khó đẻ, nên bác sĩ bảo phải mổ, gia đình em chạy vạy lo hết tiền viện phí, đến lúc bác sỹ yêu cầu chồng ký cam kết trước ca mổ đẻ thì bên nhà chồng không có một ai đến viện.
Sau 5 ngày nằm viện, 2 mẹ con được về nhà mới thấy chồng và mẹ chồng điện thoại hẹn đến thăm cháu nội, cứ như hẹn với người quen vậy.
Khi mẹ chồng và chồng về tới nơi, ngồi chơi được 1 lúc đã chê em bé xanh xao vàng vọt, phải đưa về bên nội ngay. Bà bảo bà về trước chuẩn bị giường chiếu bên nhà cho sạch để đón cháu nội, hẹn 2 ngày sau sẽ thuê xe sang đón 2 mẹ con về.
Hôm ấy bố mẹ em cũng đi cùng đưa cháu về nhà nội. Trước lúc về, bố mẹ đưa cho em 1 triệu đồng, bảo cần gì thì mua mà ăn để có sữa cho con bú. Ngay lúc bố mẹ em vừa về lại nhà, mẹ chồng bảo, em đưa 1 triệu cho bà để trả tiền thuê tắc xi đón 2 mẹ con về hôm nay.
Một tháng về lại nhà chồng sau sinh, hầu như ngày nào bữa của em cũng là thịt lợn luộc và nước canh. Hôm đổi bữa thì 2 quả trứng vịt luộc với bát canh rau. Cho đến tận bây giờ, con em đã 2 tuổi, em cứ nhìn thấy thịt lợn luộc và canh là ghê cổ. Vì cứ ăn không hết, bữa sau bà lại hấp nóng lên cho em ăn hết thì mới thôi.
Con em mới sinh, nó hay quấy khóc đêm, một mình em loay hoay, không một ai bế, còn chồng em ra phòng khách ngủ. Con đi tiêm phòng cũng một mình em tự bế con đi, tự về. Con được 3 tuần, em phải vừa trông con, vừa nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ cho gia đình chồng như trước khi đẻ.
Em mệt mỏi và tủi thân quá, lúc bố mẹ đẻ điện thoại hỏi thăm, em chỉ biết khóc ấm ức. Bố em bảo: Tao cho con đi làm dâu, chứ không phải đi làm ôsin. Khi con em được 5 tháng, bố mẹ thương em quá, nên đến đón 2 mẹ con về. Nhà nội không cho em bế con đi và nói: Nếu ông bà đưa cháu tôi về bên ấy, thì đừng hòng nghĩ sẽ quay lại được cửa nhà này. Làm dâu có chết thì cũng làm ma nhà chồng, vẫn có chỗ ăn, chỗ ngủ, chết ngay thế nào được?
Nhưng bố mẹ em vẫn quyết tâm dắt 2 mẹ con ra khỏi căn nhà ấy. Từ đó đến nay, con em đã 2 tuổi, chưa một ngày nhà nội hay bố cháu đến thăm hỏi. Ngay cả lúc con em phải đi viện, gọi cho mẹ chồng và chồng, nhưng cũng không ai đến thăm con cháu.
Gia đình em cũng nghèo, nhưng vẫn xúm vào cùng nhau nuôi dạy con gái em nên người, nó không có lỗi trong chuyện người lớn gây ra.
Em cũng đã xin đi làm công nhân ở huyện, lương cũng tạm đủ nuôi 2 mẹ con. Làm mẹ đơn thân khi mới 17 tuổi, đúng là đầy cảm xúc muốn rơi nước mắt, vì có lúc em bất lực, nhưng bây giờ, nhìn con gái mỗi ngày một lớn khôn, em lại hạnh phúc mỗi ngày đi làm về thấy con cười và lao ra ôm chầm lấy mẹ. Mẹ con em đang say đắm bên nhau, mỗi ngày trôi qua là một ngày hạnh phúc, bên sự đùm bọc của nhà ngoại.