Về xã Phú Lương trong một buổi chiều nắng đổ lửa, chúng tôi đang đi trên một trục đường duy nhất tung bụi mù mịt thì một trận mưa rào đổ xuống. Cái oi của nắng xen lẫn với mưa rào làm nồng hơn mùi rơm rạ đặc trưng của vùng trũng chuyên trồng lúa. Theo ông Nguyễn Anh - Phó Chủ tịch UBND xã - Phú Lương là một xã thấp trũng nhất của huyện Phú Vang, mỗi khi có lũ dù nhỏ đi qua cũng ngập; lũ lớn thì cả vùng chìm trong biển nước, địa bàn chia cắt dài ngày, có khi lũ nối lũ cả tháng khiến học sinh không thể đến trường. Người dân đi lại rất khó khăn bằng ghe thuyền và để có nước sạch để uống là điều mọi người mong đợi nhất.
Cơn bão Damrey năm 2017 đã gây ảnh hưởng đến xã Phú Lương, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất là trẻ em và phụ nữ nơi đây. Hiểu nỗi lòng của người dân nơi rốn lũ, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cùng Trung tâm quốc gia nước sạch và Vệ sinh Môi trường nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã hỗ trợ khẩn cấp thiết yếu về nước sạch, vệ sinh, khuyến khích người dân thực hành vệ sinh kịp thời, hiệu quả, chất lượng.
Đã có 737 hộ dân với 3.081 người dân nơi đây, trong đó có 1.056 phụ nữ và 1.041 trẻ em được hưởng lợi. Cả xã được nhận 34 bồn chứa nước, 100 thiết bị lọc gốm, 625 gói nước sạch, vệ sinh, gồm xô nhựa, xà phòng, bàn chải, kem đánh răng và khăn mặt và 594 tài liệu truyền thông về nước sạch, vệ sinh trong bão lũ. Đây là cứu cánh giúp người dân tiếp cận với nước sạch, thiết bị trữ nước, thúc đẩy thực hành vệ sinh trong trường học và hộ gia đình vào những ngày lũ lụt.
Chị Trần Thị Nga (26 tuổi) ở làng Giang Trung, xã Phú Lương, rưng rưng kể lại niềm vui được nhận bồn chứa nước. Đó là ước mơ về nguồn nước sạch dự trữ giúp gia đình chị qua được mùa lũ lụt những năm sắp tới, khi chị ngày ngày chắt chiu đồng lương ít ỏi để nuôi hai con nhỏ bằng nghề lao công và chồng làm thợ hàn cửa sắt.
Còn chị Đỗ Thị Hồng Gấm (41 tuổi) cười giòn nói về tiện ích của thiết bị lọc gốm mà gia đình chị nhận được. Giờ đây mẹ con chị không phải đun nước mà chỉ cần qua hệ thống lọc đó, mọi người đã có nước sạch để uống. Vẻ hồ hởi của chị không xua đi được nét vất vả của người phụ nữ một mình bươn chải trên ruộng đồng để nuôi 4 con, khi chồng chị đã qua đời cách đây 3 năm. Chị gồng mình lên để lo cho các con chu toàn mà vẫn mạnh mẽ điều khiển máy cày trên đồng ruộng, vẫn bưng bê đồ đạc kê cao lên trong mùa mưa lũ… Chúng tôi thầm mong nhiều phụ nữ khác như chị Gấm được hưởng lợi nhiều hơn từ các dự án cộng đồng để nỗi lo của họ được khỏa lấp phần nào.
Không chỉ thăm gia đình chị Nga, chị Hồng, chúng tôi còn đến thăm Trường tiểu học Phú Lương 1 (xã Phú Lương, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). Theo cô Lê Nguyên Lộc - Hiệu trưởng, Bí thư chi bộ - tiểu học Phú Lương 1 là trường có mặt bằng thấp nhất trong 4 trường trên địa bàn xã. Toàn trường có 24 cán bộ giáo viên và 212 học sinh. Các em hầu hết ở xa.
Theo cô Lộc, Trường Tiểu học Phú Lương 1 may mắn được trang bị 1 hệ thống lọc nước uống khá hiện đại. Hệ thống trị giá 84 triệu đồng, công suất 70 lít/giờ với 20 vòi uống. Trường còn được tài trợ 3 bình chứa nước, để không chỉ dự trữ nước mỗi khi bão lũ đến mà còn dự trữ nước trong mùa hè phục vụ nhu cầu của học sinh. Các em nhỏ ở trường vui sướng khi được uống những dòng nước mát lành. Em Nguyễn Thị Ngọc Hà - Liên đội trưởng - tâm sự: “Trước đây, chúng em luôn thiếu nước sạch để uống nên toàn phải dùng nước đóng chai rất tốn kém. Giờ có hệ thống nước sạch rồi, thật là thích cô ạ! Giờ đây chúng em có nước sạch để uống kể cả trong mùa lũ”. Niềm vui của con trẻ làm chúng tôi vui lây.
Giáo viên nhà trường còn được tập huấn cách sửa chữa để tự khắc phục những lỗi thông thường, tự vệ sinh máy để đảm bảo nguồn nước được sạch, hay tư vấn thời gian cần thay các thiết bị cần thiết. Học sinh được học cách sử dụng nước sạch, vệ sinh cá nhân trước, trong và sau khi bão lũ xảy ra…