Nuôi cấy nội tạng người trên động vật và lo ngại tạo ra sinh vật lai người

02/08/2019 - 18:26
Nhật Bản lần đầu cấp phép nuôi cấy nội tạng người trên động vật, giúp mở ra tương lai cho ngành y đang khan hiếm nội tạng. Giáo sư Hiromitsu Nakauchi, người dẫn đầu nghiên cứu cho biết nếu phương pháp này thành công sẽ cứu được rất nhiều người. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại cách này dễ tạo ra sinh vật lai người.
ips-1.jpg
Phương pháp này thành công sẽ cứu được nhiều người 
Hội đồng thuộc Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao và Công nghệ Nhật Bản chấp nhận đơn xin cấp phép từ các nhà nghiên cứu ở Đại học Tokyo nhằm tiến hành tạo ra tụy ở chuột sử dụng tế bào gốc đa tiềm năng cảm ứng của người (iPS).
 
Trước đó, chính phủ Nhật Bản cấm thực hiện những thí nghiệm như trên do lo ngại về khả năng ra đời loài pha trộn gene người và động vật.
Tuy nhiên, nhà chức trách đã dỡ bỏ lệnh cấm và soạn thảo quy định hồi tháng 3 sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia từ năm 2012. Các cuộc thảo luận xoay quanh nhiều chủ đề như mục đích nghiên cứu và loài động vật sử dụng trong thí nghiệm.
Chính phủ cũng cân nhắc các vấn đề đạo đức xã hội để đánh giá. Quy định mới cho phép tiến hành nghiên cứu tạo loài lai với điều kiện các nhà khoa học phải tuân thủ trình tự phù hợp nhằm ngăn chặn sự ra đời của sinh vật có một phần giống con người.
 
Thí nghiệm này cho phép các nhà khoa học được nuôi các bộ phận cơ thể người trong động vật sống dùng cho cấy ghép, có khả năng tạo ra nguồn cung không giới hạn. Tuy nhiên, đã xuất hiện một số lo ngại về việc các nhà khoa học có thể kiểm soát động vật biến đổi gien giống con người đến mức nào và não của chúng có khả năng phát triển giống con người hay không. 
hiromitsu-nakauchi-1.jpg
Giáo sư Hiromitsu Nakauchi, người dẫn đầu nghiên cứu về nuôi cấy nội tạng người trên động vật

 

Giáo sư Hiromitsu Nakauchi, người dẫn đầu nghiên cứu, chia sẻ với tờ Asahi Shimbun (Nhật Bản) rằng, cuối cùng nhóm của ông đã có thể nghiên cứu một cách nghiêm túc sau 10 năm chuẩn bị. Ông Nakauchi tin rằng ông có thể phát triển tuyến tụy của người bằng cách đưa tế bào gốc vào một động vật có vú khác như loài lợn và sẽ sử dụng nó để chữa bệnh tiểu đường ở người.
 
Trong nghiên cứu, các chuyên gia của Trường Đại học Tokyo sẽ tạo trứng thụ tinh của chuột cống và chuột nhắt không có khả năng hình thành tụy do bị chỉnh sửa gene. Sau đó, họ sẽ đưa tế bào gốc đa tiềm năng cảm ứng của người (iPS) vào những quả trứng thụ tinh đó. Kết quả là tạo ra phôi thai lai giữa người và động vật. Nhóm nghiên cứu sẽ cấy phôi thai vào tử cung chuột cống và chuột nhắt. Tụy từ tế bào gốc iPS sẽ lớn lên trong cơ thể chuột non. Họ sẽ dành 2 năm để theo dõi quá trình phát triển của chuột non chào đời.
 
Đối với nghiên cứu này, nhóm của ông Nakauchi sẽ tạo ra phôi động vật gặm nhấm không thể tự phát triển tuyến tụy. Sau đó, họ cấy tế bào gốc của con người vào với mục tiêu tạo phôi phát triển tuyến tụy từ tế bào người. Phôi thai lai này sau đó được đưa vào tử cung của một con vật còn sống. Động vật này phát triển như bình thường đến một mức độ nào đó thì bị giết để lấy nội tạng, ghép cho bệnh nhân.
 
heo.jpg
Chuỗi ADN của lợn và người có nhiều điểm tương đồng, mở ra khả năng thí nghiệm điều trị bệnh cho con người

 

Giáo sư Nakauchi trước đó đã từng cho biết: "Việc tạo ra nội tạng người từ động vật chưa thể thành công sớm. Nhưng nếu phương pháp này được công nhận, nó sẽ cứu mạng sống của rất nhiều người. Chúng tôi muốn thực hiện một cách cẩn trọng".
Nhóm của ông Nakauchi cũng khẳng định sẽ hủy bỏ thí nghiệm nếu trong não của động vật có hơn 30% tế bào giống con người vì điều này có thể khiến con vật được "nhân hóa" và thông minh khác thường.
 
Hồi năm 2017, nhóm nghiên cứu của ông Nakauchi đã hợp tác cùng Trường Đại học Stanford (Mỹ) để ghép tuyến tụy được phát triển trong cơ thể chuột vào chuột mắc bệnh tiểu đường. Sau vài ngày điều trị chống đào thải nội tạng ở chuột được ghép tạng, tuyến tụy bắt đầu tạo ra insulin như bình thường. 
Dẫu mang lại nhiều hy vọng trong y học nhưng vẫn có những quan ngại xoay quanh các nghiên cứu trên. Không chỉ những bệnh nhân, mà còn rất nhiều nhà nghiên cứu không dám tin vào triển vọng của phương pháp nói trên. Họ lo sợ các tế bào của con người, khi được cấy vào các động vật, sẽ di chuyển không đúng địa chỉ, lan truyền và ảnh hưởng xấu đến hoạt động của não. Ngoài tính khả thi, câu hỏi đạo đức cũng được đưa ra. Hàng năm ở châu Âu, 11,5 triệu động vật, bao gồm các loài gặm nhấm, chó, mèo, ngựa… bị sử dụng làm thí nghiệm. Ngày nay, một bộ phận cộng đồng khoa học không còn muốn dùng đến phương thức tàn nhẫn này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm