pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nuôi dưỡng tư duy tích tực cho con

Ảnh minh họa
Tìm kiếm giải pháp
Chị Trần Mai Anh, một người mẹ có con trai 7 tuổi, chia sẻ, chị luôn cố gắng hướng dẫn con cách đón nhận thất bại một cách nhẹ nhàng.
Chị kể: "Có lần, con trai tôi làm bài toán mà không thể tìm ra đáp án. Cháu khóc, vò đầu bứt tai, nói rằng mình dốt. Thay vì vội vã giúp con giải bài toán, tôi ngồi xuống bên cạnh và nói: "Mẹ con mình sẽ tìm cách khác nhé! Mọi vấn đề đều có giải pháp mà".
Tôi muốn con hiểu rằng sai lầm không đáng sợ, miễn là ta không bỏ cuộc. Chị Mai Anh cho biết, dần dần, con trai chị đã hình thành thói quen tìm kiếm giải pháp, thử nhiều phương án khác nhau khi gặp khó khăn, thay vì sớm bỏ cuộc".
Tìm điều tốt đẹp mỗi ngày
Anh Đoàn Thái Dũng có con gái 10 tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi những điều tiêu cực xung quanh. Để giúp con luôn có góc nhìn tích cực, anh đã áp dụng một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả.
Đó là mỗi ngày trước khi đi ngủ, anh Dũng khuyến khích con kể ra một điều tốt đẹp mà con thấy hoặc trải nghiệm trong ngày. "Ban đầu, con chỉ kể những điều nhỏ nhặt như "Hôm nay con được cô giáo khen" hay "Bạn Nam chia sẻ đồ ăn với con".
Dần dần, con bắt đầu nhận ra những điều tốt đẹp xung quanh, như "Hôm nay trời mưa mát quá" hay "Bạn con cười rất vui". Điều này giúp con hình thành thói quen tìm kiếm những điều tích cực trong cuộc sống", anh Dũng chia sẻ.
Người lớn cũng mắc sai lầm
Chị Nguyễn Ngọc Lan nhận thấy, trẻ con thường lo sợ khi phạm sai lầm, vì chúng nghĩ rằng sai lầm là điều không thể chấp nhận. Để thay đổi suy nghĩ này của con, chị chủ động thừa nhận sai lầm của mình trước mặt con.
"Có lần, tôi hứa sẽ đưa con đi chơi công viên nhưng lại quên mất vì quá bận. Khi thấy con buồn, tôi đã xin lỗi con một cách chân thành và nói rằng mẹ cũng mắc sai lầm, nhưng mẹ sẽ rút kinh nghiệm. Thay vì trách mắng, tôi dạy con cách chấp nhận lỗi lầm và sửa chữa nó. Từ đó, con tôi cũng dám đối mặt với lỗi sai của mình mà không quá sợ hãi hay tự ti", chị Lan cho biết.
Nhìn nhận vấn đề theo hướng lạc quan
Anh Nguyễn Đăng Minh có con trai 12 tuổi. Cậu bé thường xuyên than phiền khi gặp phải những tình huống không như ý. Để giúp con thay đổi suy nghĩ, anh Minh đặt ra một thử thách: Mỗi khi con phàn nàn về điều gì, con phải tìm ra ít nhất một điểm tích cực trong tình huống đó.
"Có lần, con bị điểm kém trong bài kiểm tra Toán và rất buồn. Tôi không an ủi theo kiểu "Không sao đâu con" mà hỏi: "Con có biết điều tốt đẹp từ việc này là gì không?".
Ban đầu, con không nghĩ ra, nhưng sau khi suy nghĩ, con nói rằng "Lần sau con sẽ cố gắng hơn để không bị điểm kém nữa". Dần dần, con học được cách nhìn nhận vấn đề theo hướng lạc quan hơn", anh Minh chia sẻ.
Theo các chuyên gia tâm lý, mỗi phụ huynh có một cách tiếp cận khác nhau trong việc xây dựng tư duy tích cực cho con nhưng điểm chung là họ đều kiên nhẫn, đồng hành và dẫn dắt con bằng những bài học thực tế.
Nuôi dưỡng tư duy tích cực không chỉ giúp con có một tuổi thơ hạnh phúc mà còn là hành trang quý giá để con trưởng thành và tự tin trong cuộc sống.