pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Ô cửa sách" đặc biệt ở Đà Lạt
Cô giáo, Thạc sĩ Vũ Thanh Tâm đọc sách cho các bé trong buổi “Đọc sách và viết lách”
Yêu sách qua "ô cửa sách"
Dự án "ô cửa sách" của Thạc sĩ Vũ Thanh Tâm ra đời vào tháng 6/2018 tại TPHCM. Sau một thời gian hoạt động có hiệu quả ở TPHCM, cô Thanh Tâm mang dự án lên Đà Lạt và lại đặt những "viên gạch" đầu tiên. Dự án mở tại ngôi nhà ở đường Trần Quang Diệu (phường 10, TP Đà Lạt). Ngoài ra, dự án còn có Website ocuasach.com/sachhay, kênh Youtube Ô cửa sách, cùng các hoạt động cộng đồng khác.
Chia sẻ về lý do thành lập dự án, Thạc sĩ Vũ Thanh Tâm cho biết: Khi ở TPHCM, vì công việc bận rộn, không có nhiều thời gian dành cho con nên cô mở ra lớp "Đọc sách và viết lách". Lớp học tổ chức cuối tuần, là nơi để cô thỏa mãn niềm đam mê đọc sách, đồng thời có thời gian đồng hành cùng con qua những trải nghiệm trong lớp học. Bắt đầu từ rất ít sách, bây giờ, thư viện của cô Tâm đã có hàng ngàn đầu sách.
Thực tế, trẻ dưới 5 tuổi đều thích được nghe đọc truyện trước khi đi ngủ. Điều này sẽ hình thành thói quen đọc sách ngay từ nhỏ cho bé. Điều quan trọng là ba mẹ và người thân bên cạnh bé phải trở thành người đồng hành cùng con. Nếu người lớn không làm điều này thì trẻ sẽ bị thu hút vào ti vi, điện thoại, iPad và bị ảnh hưởng bởi những clip độc hại trên môi trường mạng
Thạc sĩ Vũ Thanh Tâm, chủ dự án “ô cửa sách”
Để trẻ chịu đọc sách, giai đoạn đầu cô Tâm phải "dụ" trẻ. Giáo viên phải tóm tắt những đoạn hấp dẫn để khơi gợi tính tò mò của trẻ, tặng quà cho bạn nào viết tốt. Cách bố trí không gian cũng được sắp xếp linh hoạt phù hợp với trẻ em. Kệ sách được trang trí sinh động theo chủ đề của từng mùa hoặc treo tác phẩm do chính trẻ làm nên từ cành thông, chai nhựa tái chế... Những hoạt động này vừa tăng độ nhạy tâm hồn, vừa phát triển ngôn ngữ, vừa hình thành giá trị sống cho trẻ.
Hoạt động nổi bật nhất của dự án là "Đọc sách và viết lách". Hoạt động thường tổ chức vào cuối tuần. Mỗi buổi "Đọc sách và viết lách" có thời gian 180 phút, được chia cho 3 hoạt động: đọc, viết, trải nghiệm. Đến với lớp, các bé được nghe kể chuyện, đọc sách và sau đó thoải mái vẽ lên những viên đá cuội, sáng tạo những bức tranh yêu thích.
Mới đây nhất, lớp học có chủ đề nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Thạc sĩ Vũ Thanh Tâm và các phụ huynh đã mang đến lớp "Đọc sách và viết lách" những câu chuyện tôn vinh sự dũng cảm, kiên định, ý nghĩa của ước mơ và khả năng đóng góp cho cộng đồng của cả hai giới. Lớp học đã treo 13 mẩu chuyện về 13 phụ nữ làm nên lịch sử Mỹ. Các em đến đây được đọc sách và ngắm tranh, chọn 1 người phụ nữ trong 13 mẩu chuyện để đọc và kể lại theo cách của mình.
Thạc sĩ Vũ Thanh Tâm cho biết: "Các cô giáo ở Ô cửa sách không hài lòng với những định kiến thường thấy rằng phụ nữ là phái đẹp nhưng cũng là phái yếu, rằng phẩm chất đáng quý nhất của phụ nữ là dịu dàng, hy sinh, phụ nữ không ở trong bếp thì ở đâu, rằng con trai thì phải luôn mạnh mẽ, không được khóc, không được tình cảm quá... Thế nên, những thông điệp về sức mạnh của nữ quyền và bình đẳng giới sẽ giúp các bé trở thành những cô gái mạnh mẽ, những chàng trai tình cảm".
Mỗi ba mẹ là một ô cửa sách
Không chỉ khích lệ tinh thần ham mê đọc sách ở trẻ, ô cửa sách còn mong muốn hướng phụ huynh đến việc đọc sách cùng con, nhằm phát triển hơn văn hóa đọc ngay trong chính mỗi gia đình. Chính vì lẽ đó nên khi triển khai ô cửa sách ở Đà Lạt, cô giáo Thanh Tâm có một không gian rộng rãi cho ba mẹ cùng tham gia các buổi đọc cùng con. Sau vài tuần trải nghiệm, phụ huynh sẽ trở thành người đứng lớp, mỗi ba mẹ là chuyên gia trong những lĩnh vực khác nhau, phạm vi sách cho trẻ nhờ đó sẽ được mở rộng.
Chị Lục Minh Thư (Phường 9, TP Đà Lạt) nhận xét: "Trước đây, hai con của tôi không đọc nhiều sách, bản thân tôi cũng không có thời gian để kèm con. Bây giờ thì hai bé đã bắt đầu có hứng thú hơn. Vì khi tham gia lớp "Đọc sách và viết lách" sau mỗi buổi có chủ đề khác nhau và gắn với những hoạt động liên quan, giúp các con có cảm hứng và liên kết được những gì mình đã đọc với thực tế".
Phụ huynh Phạm Thị Hồng Minh (Phường 9, TP Đà Lạt) cho biết: "Tôi thấy những hoạt động thủ công đang thu hút các con hơn, nhưng dần dần, mưa dầm thấm lâu, các con sẽ được ngấm từ từ và sẽ hình thành thói quen đọc sách và viết".