pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ô nhiễm môi trường làng nghề nông thôn: Cần lựa chọn giải pháp phù hợp với hiện trạng sản xuất
Vấn đề xử lý chất thải của các làng nghề còn nhiều bất cập
Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề là hình thái ô nhiễm tập trung trên phạm vi một khu vực như thôn, làng, xã… Khu vực này bao gồm nhiều nguồn ô nhiễm dạng điểm như hộ gia đình, cơ sở sản xuất gây tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng sống tại khu vực. Ô Nhiễm môi trường làng nghề mang đậm nét đặc thù của hoạt động sản xuất theo ngành nghề, loại hình sản phẩm và tác động trực tiếp đến môi trường đất, nước, không khí trong khu vực dân sinh. Vì tính phân tán của các nguồn thải nên khó khăn khi tập trung xử lý ô nhiễm.
Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ảnh hưởng không chỉ tới người lao động trực tiếp mà còn tới dân cư, tới các gia đình sống trong và xung quanh khu vực. Các hộ sản xuất vừa là nguyên nhân vừa là nạn nhân của ô nhiễm môi trường sống.
Theo quy hoạch phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, hiện nay Hà Nội có tới 1.350 làng nghề và làng có nghề chiếm 56% số làng ở khu vực nông thôn. Với quy mô như vậy, Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với đa dạng ngành nghề, bao trùm hầu hết lĩnh vực sản xuất của đặc trưng của làng nghề.
Với tốc độ phát triển như hiện tại, các làng nghề đã có đóng góp không nhỏ vào tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. Tuy nhiên làng nghề phát triển cũng đi kèm sức ép không nhỏ với môi trường thủ đô khi ý thức của người dân làng nghề chưa cao, chưa hiểu rõ mức độ nguy hiểm ô nhiễm môi trường do chính họ gây ra. Hiện nay, tốc độ đô thị hóa quá nhanh của Hà Nội đã khiến cho nhiều làng nghề trở thành "phố nghề", "phường có nghề". Tuy nhiên, sản xuất làng nghề vẫn tập trung chủ yếu ở ngoại thành với quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, thủ công, tổ chức sản xuất phân tán và chủ yếu là hộ gia đình. Hầu hết cơ sở sản xuất nghề ở các làng nghề gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất, tình trạng phổ biến là sử dụng ngay nhà ở để làm nơi sản xuất.
Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi (Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam), với quy mô sản xuất nhỏ, tự phát, trình độ công nghệ tại các làng nghề đang ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng chủ yếu đang chuyển từ giai đoạn sản xuất thủ công sang sản xuất cơ giới. Hạ tầng làng nghề còn chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống thoát nước thải, công tác quản lý, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức, hầu hết xã không có cán bộ có chuyên môn về môi trường, chỉ làm kiêm nhiệm. Nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề hạn chế hoặc hầu như không có. Chưa có chế tài bắt buộc của các cơ quan quản lý nhà nức. Chính vì các lý do nêu trên, sự phát triển của các làng nghề đã gây sức ép không nhỏ đối với môi trường, là nguyên nhân gây ô nhiêm cục bộ tại một số khu vực nhất định.
TS Đặng Thị Kim Chi cũng cho rằng, trước tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng tại các làng nghề, nhiều làng nghề đã có những biện pháp xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên vấn đề xử lý chất thải của các làng nghề nhìn chung còn chưa đến nơi đến chốn, nhiều nơi được nhà nước hoặc các dự án, các đề tài về môi trường đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải nhưng sau đó cũng không hoạt động. Chính vì vậy, việc đề xuất công nghệ xử lý chất thải phù hợp hiện tại tại các làng nghề là rất cần thiết. Khi lựa chọn giải pháp công nghệ xử lý ô nhiễm tại làng nghề phải phù hợp tới hiện trạng sản xuất cũng như quy hoạch không gian của làng nghề.