pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Phá dỡ cầu treo Đồng Liên thì con tôi phải đi học xa gấp 5 lần"
Cầu treo Đồng Liên
Từng hiến đất để làm cầu
Xã Đồng Liên là xã vùng ven, nằm ở phía Đông Nam của thành phố Thái Nguyên, phía Đông giáp xã Bàn Đạt (huyện Phú Bình), phía Tây giáp phường Cam Giá và phường Hương Sơn (thành phố Thái Nguyên).
Trước đây, người dân xã Đồng Liên muốn sang các phường lân cận phải di chuyển bằng phà qua sông Cầu. Còn không sẽ phải ngược lên hướng trung tâm thành phố rồi vòng xuống, quãng đường xa gấp nhiều lần.
Ông Nguyễn Văn Khú (73 tuổi, trú tại xã Đồng Liên) cho biết: "Gần xã Đồng Liên có 4 khu chợ nhưng để đến được các khu chợ này người dân bắt buộc phải đi qua sông Cầu. Qua sông phải lụy phà, chỉ những khi nước lặng, phà mới hoạt động chứ thời điểm nước lớn, chảy mạnh có trả thêm tiền cũng chẳng ai dám chở qua sông".
Cũng vì giao thông đi lại khó khăn nên vào thời điểm con nước sông Cầu lớn, hoạt động giao thương của người dân bị hạn chế, thực phẩm làm ra nhiều nhưng khó tiêu thụ. Nhà nào có phương tiện thì còn ngược lên chợ huyện.
Tuy nhiên, khu chợ này cách xã Đồng Liên hơn 10km, đường lại xấu, khó đi. Phà hoạt động từ sáng đến khoảng 20h hằng ngày nên ái ngại nhất là trường hợp phải đi cấp cứu trong đêm. Khi ấy, người nhà buộc phải đưa bệnh nhân đi vòng, vượt quãng đường gần 30km mới đến được bệnh viện.
Trong khi đó, nếu băng qua sông Cầu thì chỉ cần di chuyển thêm 2km nữa là có thể đưa được bệnh nhân đến bệnh viện. Bà Dương Thị Lự (68 tuổi) chia sẻ, đã có trường hợp người bệnh chưa đến được bệnh viện đã tử vong giữa đường.
Cuối năm 2009, Công ty Cổ phần Bia và Nước giải khát Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng cầu treo Đồng Liên theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) và nhận được sự đồng thuận cao của người dân địa phương.
Khi triển khai xây dựng cầu, đường 2 bên đầu cầu lấy đất đến đâu, người dân xã Đồng Liên đều nhất trí hiến đất đến đó. Có hộ hiến hàng trăm mét vuông, cả đất nông nghiệp lẫn đất thổ cư, với hi vọng có cây cầu để thuận tiện đi lại. Ngày khánh thành cây cầu rộng 2,7m, dài 156m, người dân Đồng Liên ai cũng phấn khởi.
Chưa tìm được tiếng nói chung
Theo lời một vị cán bộ xã Đồng Liên, sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, cầu treo Đồng Liên đã làm tốt nhiệm vụ của nó khi góp phần đưa kinh tế của xã "chuyển mình", đời sống của người dân được nâng lên.
Không chỉ riêng Đồng Liên, 4 xã khác của huyện Phú Bình là xã Bàn Đạt, Tân Khánh, Tân Lợi, Đào Xá cũng có con đường thông thương, kết nối với thành phố Thái Nguyên mà chỉ mất vài phút di chuyển.
Tuy nhiên, đến tháng 9/2022, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên, thành phố Thái Nguyên đã thông báo ngừng sử dụng cầu treo Đồng Liên. Nguyên nhân được đưa ra là do cây cầu chưa đảm bảo điều kiện theo quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Cùng với thông báo trên, thành phố Thái Nguyên đã giao các cơ quan chuyên môn lắp đặt biển báo, cấm toàn bộ người và phương tiện lưu thông qua cầu.
Việc cấm lưu thông qua cầu Đồng Liên khiến nhiều người dân không khỏi băn khoăn, tại sao chính quyền lại cấm một cây cầu vẫn còn chắc chắn và khi nào cho lưu thông trở lại? Tuy nhiên, thời điểm đó, việc hàn chắn tại 2 đầu của cây cầu chỉ khiến ô tô không vào được, còn xe máy vẫn có thể đi qua.
Đến cuối tháng 5/2024, tỉnh Thái Nguyên ra chỉ đạo chủ đầu tư công trình thực hiện tháo dỡ cầu treo Đồng Liên xong trước ngày 20/6/2024. Quyết định này được đưa ra sau khi Thanh tra tỉnh Thái Nguyên chỉ ra nhiều sai phạm của Công ty cổ phần Bia và Nước giải khát Thái Nguyên trong việc thi công cầu, điển hình như: Hạn chế, vi phạm trong việc chấp hành pháp luật về đầu tư, về xây dựng, đất đai, thu phí đường bộ…
Chỉ đạo của tỉnh Thái Nguyên không nhận được sự đồng thuận từ phía người dân xã Đồng Liên. Nhiều cuộc đối thoại giữa chính quyền và người dân đã được tổ chức nhưng 2 bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Đa số ý kiến của người dân đều không đồng tình về việc tháo dỡ cầu treo Đồng Liên. Chưa dừng ở đó, người dân xã Đồng Liên còn cắt cử người thay nhau trông cầu bất kể ngày đêm, nắng mưa để "phòng trường hợp cây cầu treo bị tháo dỡ".
Góp mặt trong nhóm người dân tham gia trông cầu vào trưa ngày 11/6/2024, chị Đặng Thị Thu Uyên (41 tuổi, trú tại xã Đồng Liên) chia sẻ, chị rất bất ngờ trước việc cầu treo Đồng Liên sắp sửa bị dỡ bỏ.
Lo lắng cho số phận cây cầu, chị Uyên đồng thời lo lắng cho việc học hành của 2 con. Gia đình chị Uyên có 3 người con, trong đó, người con thứ 2 đang học bậc Trung học phổ thông và người con út đang học bậc Trung học cơ sở. Mỗi ngày, con thứ 2 của chị Uyên cũng như nhiều bạn bè đều di chuyển qua cây cầu để đến trường.
"Nếu có cây cầu này, con tôi chỉ cần đi 4km là đến trường. Trong khi đó, nếu cầu bị phá dỡ, cháu sẽ phải đi hơn 20km, tức là xa gấp 5 lần mới đến trường. Đáng nói hơn, đoạn đường đi vòng đó rất vắng vẻ, có nhiều nguy cơ mất an toàn, bị cướp giật.
Vì vậy, tôi rất lo lắng, không biết việc học của cháu thời gian tới sẽ như thế nào. Vài năm nữa, tiếp tục lại đến con út. Trong trường hợp cây cầu bị dỡ bỏ, có lẽ tôi phải cho các cháu nghỉ học", chị Uyên bộc bạch.
Chia sẻ với Báo PNVN, nhiều người dân xã Đồng Liên cho biết, việc họ "trông cầu" không phải là hành động nhằm chống đối chính quyền mà người dân mong muốn sẽ có một cây cầu mới trước khi cầu treo Đồng Liên bị dỡ bỏ.
Lãnh đạo UBND thành phố Thái Nguyên cho rằng, việc chủ đầu tư thực hiện tháo dỡ cầu treo Đồng Liên là đúng theo quy định pháp luật và chỉ đạo của UBND tỉnh. Theo vị này, đây là công trình xây dựng không đảm bảo các quy định về quản lý chất lượng, không có căn cứ để khắc phục. Nếu tiếp tục khai thác, sử dụng, khi xảy ra sự cố, có thể gây hậu quả nghiêm trọng với người, tài sản và môi trường. Thành phố đã và đang khảo sát, cân đối, bố trí nguồn vốn để lập phương án đầu tư xây dựng một cây cầu cứng, thay thế cho cầu treo Đồng Liên.