pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thấp thỏm khi sống gần mỏ đá núi Rộc
Bà Bùi Thị Rẩm băn khoăn khi mỏ đá núi Rộc không đảm bảo khoảng cách tối thiểu với nhà dân nhưng vẫn được cấp phép hoạt động
Mỏ đá nằm sát khu dân cư
Năm 1993, sau khi kết hôn, bà Tươi cùng chồng là ông Bùi Văn Thanh (59 tuổi) chuyển ra mảnh đất của gia đình gần chân núi để sinh sống. Từ căn nhà tạm ban đầu, sau vài lần sang sửa, gia đình bà mới có được căn nhà cấp 4 như hiện tại.
An cư trong ngôi nhà kiên cố được khoảng 10 năm thì Công ty Ánh Hồng được cấp phép khai thác đá tại mỏ đá núi Rộc. Kể từ đây, cuộc sống của gia đình bà Tươi bị đảo lộn, các thành viên luôn sống trong tâm trạng bất an.
"Mỏ đá do Công ty Ánh Hồng đang khai thác chỉ cách căn nhà gia đình tôi đang ở chưa đầy 250m. Mỗi khi mỏ đá hoạt động, gia đình tôi như bị tra tấn bởi tiếng ồn của máy móc, thiết bị. Không những thế, mỗi lần công ty cho nổ mìn để khai thác đá, căn nhà của gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác xảy ra tình trạng rung lắc. Điều này khiến gia đình tôi vô cùng bất an", bà Tươi nói.
Chỉ tay vào những vết nứt chằng chịt chạy dọc thân nhà, bà Tươi cho biết, cứ mỗi năm, căn nhà của bà lại có thêm nhiều vết nứt mới. Những vết nứt ấy khiến cho nước mưa chảy vào trong nhà, ảnh hưởng đến cuộc sống của các thành viên.
Dù gia đình bà đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị với chính quyền nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết, mỏ đá núi Rộc vẫn ngày đêm hoạt động trên sự thấp thỏm, lo âu của những hộ dân bị ảnh hưởng.
Cách nhà bà Tươi vài chục mét, căn nhà mới xây hơn 2 năm nay của gia đình anh Bùi Văn Giang (40 tuổi, trú tại xóm Cầu) cũng rơi vào tình trạng nứt chằng chịt. Anh Giang quả quyết rằng căn nhà do chính anh thi công, chất lượng vật liệu rất tốt nên không thể có chuyện nhanh chóng bị hư hỏng trong điều kiện bình thường.
Gia đình có 2 con nhỏ nên mỗi khi nghe tiếng hô nổ mìn, anh Giang đều phải cùng vợ đưa lũ trẻ ra bên ngoài để tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
"Bình thường, phía mỏ thường cho nổ mìn vào 11h trưa với khối lượng thuốc nổ là 25kg. Tuy nhiên, mỗi lần mìn nổ, nhà cửa đều rung lắc mạnh như thể có động đất nên tôi nghi Công ty Ánh Hồng cho nổ quá số lượng cho phép. Có lần phía công ty cho người đứng ở trong mỏ nói vọng sang khu dân cư, có lần không thông báo gì nên người dân chúng tôi rất bị động", anh Giang bức xúc nói.
Không khí ô nhiễm, nguồn nước bị "bức tử"
Bà Bùi Thị Rẩm (66 tuổi) cho biết, xóm Cầu trước thời điểm mỏ đá núi Rộc hoạt động có địa thế đẹp khi dưới chân núi là một diện tích đất rộng lớn để người dân trồng trọt, chăn thả gia súc. Tại đây cũng có một dòng suối lớn chảy qua, phục vụ việc tưới tiêu cho hoa màu của người dân.
Thế nhưng, từ khi mỏ đá núi Rộc hoạt động, con suối bị đất đá lấp dần, dòng chảy cũng bị chia cắt làm đôi để tạo đường cho xe tải đi vào "ăn" đá. Không chỉ nguồn nước bị "bức tử", hoạt động nổ mìn còn gây rung chấn nhà cửa và khiến không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cạnh mỏ đá, diện tích cây trồng của người dân xóm Cầu bị phủ trắng bởi bụi đá.
"Dòng suối từng 4 mùa nước trong vắt nay có nguy cơ bị xóa sổ. Không có nước, hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mỗi lần nổ mìn, chúng tôi phải tìm chỗ ẩn náu. Người dân đã nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng yêu cầu chủ mỏ đá dừng hoạt động nhưng vẫn không ai thấu", bà Rẩm cho biết.
Theo tài liệu được Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kim Bôi cung cấp, ngày 22/9/2022, Tổ Công tác liên ngành của UBND tỉnh Hòa Bình đã lập biên bản kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ đá núi Rộc do Công ty Ánh Hồng làm chủ đầu tư.
Theo đó, mỏ đá núi Rộc được UBND tỉnh Hoà Bình cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 16/QĐ-UBND ngày 22/4/2013. Diện tích khu vực khai thác là 2 ha, công suất khai thác là 19.000 m3/năm, tổng trữ lượng khai thác là 548.476 m3, thời hạn khai thác là 30 năm. Biên bản kiểm tra cũng thể hiện, Công ty Ánh Hồng đã đi vào khai thác đá được 4 năm, đang đánh ở moong khai thác phía Tây Bắc xuống chân giáp tuyến bờ suối.
Tuy nhiên, vị trí moong đang khai thác không đảm bảo khoảng cách an toàn đến hộ dân gần nhất. Cụ thể, khoảng cách từ ranh giới mỏ đến ranh giới đất nhà bà Bùi Thị Xiển khoảng 80m, đến nhà bà Xiển khoảng 125m. Khoảng cách từ vị trí công ty đang nổ mìn đến ranh giới đất hộ gia đình bà Xiển khoảng 120m, đến nhà bà Xiển khoảng 125m.
Theo anh Bùi Văn Giang, ngày 6/1/2023, Công ty Ánh Hồng đã ký biên bản thỏa thuận với các hộ gia đình gần khu vực mỏ đá núi Rộc về việc hỗ trợ tặng quà vào các dịp lễ, Tết. Theo đó, có 4 hộ gia đình được công ty hỗ trợ số tiền 5 triệu đồng/năm và hộ gia đình bà Xiển được nhận hỗ trợ 15 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, anh Giang cho biết, Công ty Ánh Hồng mới chỉ hỗ trợ cho các hộ gia đình 1 lần rồi "im hơi lặng tiếng" từ đó đến nay. Bên cạnh đó, Công ty Ánh Hồng còn cam kết nghiêm túc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo đúng phương án nổ mìn đã lập để đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh nhưng theo quan sát của người dân, công ty đã không thực hiện theo đúng cam kết.
"Người dân chúng tôi không mong chờ gì vào số tiền hỗ trợ của Công ty Ánh Hồng mà chỉ đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng dừng hoạt động của mỏ đá để người dân có được cuộc sống bình thường như trước kia", anh Giang cho biết.
Lãnh đạo UBND xã Hùng Sơn cho biết, chính quyền xã đã nhận được đơn kiến nghị của người dân xóm Cầu về việc mỏ đá núi Rộc của Công ty Ánh Hồng nổ mìn, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và đã giao cho Công an xã, địa chính xã tiến hành kiểm tra, xác minh.
Thời điểm cuối tháng 5/2024, Tổ Công tác liên ngành của UBND tỉnh Hòa Bình đã công bố kết quả kiểm tra, xử lý. Lãnh đạo UBND xã Hùng Sơn không cung cấp nội dung kết quả kiểm tra nhưng theo anh Bùi Văn Giang, cơ quan chức năng cho rằng muốn biết chính xác nhà dân nứt có phải do hoạt động nổ mìn khai thác đá của Công ty Ánh Hồng gây ra hay không thì phải có bên thứ 3 về giám định cụ thể.
"Điều người dân kiến nghị là dừng hoạt động của mỏ đá núi Rộc do không đảm bảo khoảng cách an toàn đến các hộ dân thì lại không được nhắc đến. Về kết luận kiểm tra, cơ quan chức năng thông báo sẽ gửi mỗi hộ gia đình 1 bản nhưng hiện tại chưa có", anh Giang thông tin.
Theo Thông tư số 20/2009/TT-BCT ngày 7/7/2009 của Bộ Công Thương về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên, mỏ khai thác đá quy định phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu với nhà dân là 500m. Khoảng cách này được tính từ mép ngoài cùng của khu vực khai thác đến mép ngoài cùng của khu dân cư. Khu dân cư bao gồm nhà ở, trường học, bệnh viện, khu chợ và các công trình công cộng khác. Quy định này nhằm đảm bảo an toàn cho cư dân sinh sống gần khu vực khai thác, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ hoạt động khai thác như tiếng ồn, bụi bẩn và rung chấn.