Phải coi tạt axít là tội ác man rợ

29/07/2017 - 22:13
Kẻ chủ mưu trong vụ án tạt axít khiến nữ sinh ở TPHCM bị hủy hoại 75% khuôn mặt và mù một bên mắt bị án 7 năm tù. Dư luận cho rằng với nỗi đau nạn nhân phải chịu đựng cả thể chất lẫn tinh thần suốt đời thì cái án 7 năm tù là chưa đủ sức răn đe.
anh-tat-a-xit3.jpgNữ sinh Hoàng Tăng Thị Thu Hương trước và ngay sau khi bị tạt axít được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện 

Hung thủ bị tù có thời hạn còn nạn nhân "chịu án" chung thân

Ngày 24/7/2017, TAND quận Gò Vấp (THCM) tuyên án kẻ chủ mưu trong vụ tạt axít nữ sinh viên Hoàng Tăng Thị Thu Hương là Lương Thụy Kiều Quyên 7 năm tù. Hai kẻ được thuê trực tiếp tạt axít đều chịu mức án thấp hơn.

Chúng ta đều biết, các quy định về bảo hộ tính mạng, sức khoẻ của công dân đã được quy định rất rõ, lặp đi, lặp lại nhiều lần trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật của nước ta, từ Hiến pháp cho đến các bộ luật, luật, nghị định... Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Điều 7 Bộ luật tố tụng Hình sự cũng quy định: “Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo pháp luật”.

Quy định pháp luật ưu việt, nhân văn là vậy mà trong thực tế vẫn còn tồn tại hành vi tạt axít, vậy nguyên nhân do đâu?

Tạt axít là hành vi cực kỳ man rợ, tàn ác nhưng điều đáng tiếc là hiện nay pháp luật chưa quy định đây là hành vi giết người, nên chưa đủ sức răn đe. Đâu đó trên đất nước chúng ta vẫn còn có hiện tượng tạt axít, đặc biệt là trong các vụ án ghen tuông trong tình cảm, ghen ghét nhau trong làm ăn mà bị hại thông thường là những người phụ nữ trẻ, đẹp, tương lai phơi phới.

Trở lại với vụ án nữ sinh Hoàng Tăng Thị Thu Hương bị tạt axít. Nếu bản án sơ thẩm được thực thi, kẻ chủ mưu Lương Thụy Kiều Quyên bị kết án 7 năm nhưng nếu cải tạo tốt, có nhiều tiến bộ, có lý do đáng được khoan hồng, được giảm án thì có thể 5 hoặc 6 năm sau sẽ được ra tù. Trong khi đó, người bị hại với tổn thương 75% khuôn mặt, mù 1 mắt thì phải chịu nỗi đau cả thể chất lẫn tinh thần không phải là 5-6 năm mà có thể là 50-60 năm hoặc lâu hơn.

Nạn nhân có thể đi giải phẫu thẩm mỹ khuôn mặt nhưng đau đơn cũng như những chi phí cho các cuộc giải phẫu đó rất lớn và không phải một lần là xong mà phải thực hiện nhiều lần. Như vậy, người bị hại đau đớn một nhưng các đấng sinh thành đau đớn còn gấp hai, ba lần. Những mất mát về thời gian, công sức, tiền bạc không phải là nhỏ nhưng nỗi đau lớn nhất là những ký ức không thể phai nhạt được. Đó là những sang chấn tâm lý khi người bị hại nhớ lại những giây phút kinh hoàng khi bị tạt axít hoặc khi có người nhìn chăm chăm vào khuôn mặt của người bị hại, hoặc khi có ai đó hỏi về đôi mắt nạn nhân…

anh-tat-a-xit1.jpg
Lương Thụy Kiều Quyên (áo đỏ) là chủ mưu trong vụ tạt axít nữ sinh Hoàng Tăng Thị Thu Hương cùng 2 bị cáo được thuê tạt axít là Nguyễn Đình Thanh Tâm (áo trắng) và Phạm Hoàng Long

 

Cần sửa qui định về bồi thường thiệt hại

Về qui định bồi thường thiệt hại cũng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Khoản 1 Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm: “1.Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; 2.Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; 3.Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; 4.Thiệt hại khác do luật quy định.”

Trong qui định trên, khái niệm “thiệt hại khác” khá mơ hồ. Đây là những thiệt hại gì, được quy định như thế nào thì chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể.

Về thiệt hại tinh thần, Bộ luật dân sự cũng đã đề cập. Tuy nhiên, với mcs tính toán như hiện nay, đặt trường hợp nếu người gây thiệt hại và người bị hại không thoả thuận được thì số tiền tối đa mà người bị hại sẽ nhận được để bù đắp tổn thất tinh thần là 65 triệu đồng. Số tiền này là quá thấp nếu so với những tổn thất về tinh thần, sang chấn về tâm lý mà người bị tạt axít phải gánh chịu trong suốt quãng đời còn lại.

anh-tat-a-xit2.jpgBị hại Hoàng Tăng Thị Thu Hương xuất hiện tại tòa trong trang phục kín mít 
Khuôn mặt là nhân dạng quan trọng của con người. Do đó, thiết nghĩ hơn lúc nào hết cơ quan chức năng cần phải sửa đổi, bổ sung ngay các quy định pháp luật liên quan không để hành vi tạt axít cũng như những hành vi khác xâm phạm thân thể con người còn chỗ tồn tại; để công dân thực sự được bảo vệ tuyệt đối, toàn vẹn khuôn mặt, thân thể đã được “cha sinh mẹ đẻ” của mình. Phải coi hành vi tạt axít là tội ác man rợ, không khác gì tội giết người.

Khoảng 10h30 ngày 30/3/2016, khi nữ sinh viên Hoàng Tăng Thị Thu Hương chạy xe máy chở bạn trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp, TPHCM) thì bị 2 thanh niên vượt lên từ phía sau tạt axít. Hương sau đó được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, hậu quả bị hủy hoại 75% gương mặt, mù mắt trái.

Sau quá trình điều tra, Công an quận Gò Vấp đã bắt giữ 3 nghi can là Lương Thúy Kiều Quyên (21 tuổi), Nguyễn Đình Thanh Tâm (20 tuổi) và Phạm Hoàng Long (19 tuổi, cùng quê Bình Thuận). Nguyên nhân dẫn đến vụ việc là do ghen tuông, mâu thuẫn trong mối quan hệ tình cảm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm