"Phải tìm hiểu về tập quán, sinh hoạt của bà con để làm tốt bình đẳng giới"

Bài và ảnh: An Khê
13/06/2024 - 15:34
 "Phải tìm hiểu về tập quán, sinh hoạt của bà con để làm tốt bình đẳng giới"

Các thành viên Tổ Truyền thông cộng đồng thôn Vĩnh Ninh

Đó là chia sẻ của anh Trạc Văn Vinh, Bí thư Chi bộ sau gần 2 năm làm Tổ trưởng Tổ Truyền thông cộng đồng thôn Vĩnh Ninh (xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang).

Tổ Truyền thông cộng đồng thôn Vĩnh Ninh được thành lập từ năm 2022 với 7 thành viên gồm 2 nữ và 5 nam giới.


"Phải tìm hiểu về tập quán, sinh hoạt của bà con để làm tốt bình đẳng giới"- Ảnh 1.

Anh Trạc Văn Vinh - Tổ trưởng Tổ Truyền thông cộng đồng thôn Vĩnh Ninh

Hoạt động trên địa bàn rộng, nhiều khe suối, đi lại khó khăn, nhưng Tổ Truyền thông cộng đồng thôn Vĩnh Ninh vẫn hoạt động rất tích cực. Từ những việc làm thiết thực, ý nghĩa, Tổ đã góp phần vào việc thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, đặc biệt là trong dân tộc Cao Lan tại địa phương (chiếm 98% dân số).

Anh Trạc Văn Vinh chia sẻ, có những trường hợp gia đình cãi vã gây ảnh hưởng an ninh thôn, nên Tổ đã đến hòa giải mà không phải chỉ một lần. Nguyên nhân thì có nhiều, có thể là do người chồng uống rượu say về nhà đánh vợ, xung đột giữa bố và con…

"Nói thì dễ nhưng để thấm được vào tư tưởng, thay đổi suy nghĩ của các ông chồng có hành vi bạo lực gia đình với vợ con thì không đơn giản. Đó phải là một quá trình. Mà đôi khi những câu chuyện của người đàn ông với nhau qua chén trà, câu chuyện xã hội, rồi quay vào thực tế của gia đình họ. Cùng lúc đó còn cần cả tiếng nói của những người thân thì mọi chuyện mới tốt đẹp được" - Anh Vinh chia sẻ.

Cũng theo anh Vinh, Tổ Truyền thông cộng đồng từ khi thành lập đến nay đã hòa giải hàng chục vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình. Song song với đó, Tổ cũng tổ chức tuyên truyền về bình đẳng giới, vấn đề bạo lực gia đình cho bà con nhân dân trong thôn. Đặc biệt là vấn đề đàn ông chia sẻ việc nhà với phụ nữ trong gia đình. Các hình thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng như: sân khấu hóa, bốc thăm qua trả lời câu hỏi, các trò chơi như thi mặc trang phục cho con trước khi đi học, chia sẻ việc nhà, giải quyết các tình huống bạo lực gia đình...


"Phải tìm hiểu về tập quán, sinh hoạt của bà con để làm tốt bình đẳng giới"- Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Hằng (bên trái) - Chủ tịch Hội LHPN xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang và chị Đàm Thị Tâm - Thành viên Tổ Truyền thông cộng đồng thôn Vĩnh Ninh

Để công tác tuyên truyền bình đẳng giới thực hiện hiệu quả, Tổ đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ cho các thành viên và cử thành viên tham gia đầy đủ các buổi tập huấn hướng dẫn của các cấp tổ chức.

Chia sẻ về việc cần số lượng nam giới nhiều hơn  trong tổ, anh Vinh cho hay: "Do địa hình thôn rộng, khó đi, băng qua nhiều khe, suối, nên đàn ông có lợi thế là đi lại dễ dàng hơn mỗi khi phải đến nhà dân làm nhiệm vụ tuyên truyền, hòa giải".

Anh Vinh chia sẻ 5 kinh nghiệm giúp Tổ Truyền thông cộng đồng hoạt động hiệu quả:

- Phải tìm hiểu rõ về tập quán, sinh hoạt của bà con dân tộc thiểu số mà Tổ đang công tác.

- Tuyên truyền cho bà con dân tộc thiểu số về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.

- Thường xuyên tuyên truyền về bình đẳng giới, bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số, trong thôn.

- Tìm hiểu rõ nguyên nhân, lắng nghe ý kiến đóng góp của các thành viên trong tổ, bà con nhân dân.

- Tổ chức rút kinh nghiệm sau mỗi vụ việc hòa giải để hoàn thiện hơn.

Chia sẻ về hoạt động của Tổ, bà Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch Hội LHPN xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang cho hay: "Tổ Truyền thông cộng đồng luôn được Hội LHPN xã Lục Sơn, Chi ủy, Chi bộ các đoàn thể trong thôn tạo mọi điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên triển khai. Tuy nhiên khó khăn nhất vẫn là giao thông khó khăn, địa hình hiểm trở, hệ thống mạng internet còn hạn chế. Vì vậy, Tổ phải linh động trong cách giải quyết, tháo gỡ khó khăn để có thể thường xuyên tuyên truyền các chính sách về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình đến với người dân".

Tại các thôn, làng khó khăn, vấn đề khuôn mẫu giới là rào cản trong thực hiện bình đẳng giới. Đồng thời, cần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, những tập tục lạc hậu và vận động thực hiện một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ, trẻ em. Vì vậy, việc thành lập các Tổ Truyền thông cộng đồng với thành viên là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, Trưởng ban Công tác mặt trận, công an viên, cán bộ đoàn, người có uy tín là góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cộng đồng.  

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm