Phạm Công Luận: Thủ thỉ kể chuyện đời của Sài Gòn phố

Phước Long (thực hiện)
26/04/2025 - 16:26
Phạm Công Luận: Thủ thỉ kể chuyện đời của Sài Gòn phố

Nhà báo - nhà văn Phạm Công Luận (thứ2 từ trái sang) trò chuyện với độc giả. Ảnh: Minh Hoà

Một lần tình cờ, người bán ve chai muốn bán cho anh 40kg tài liệu cũ, toàn hình ảnh về Sài Gòn xưa. Chính những hình ảnh ấy đã thôi thúc nhà báo - nhà văn Phạm Công Luận tìm hiểu, sưu tầm và bắt đầu viết. Để rồi lần lượt các tác phẩm về Sài Gòn của anh ra đời và được đông đảo độc giả đón nhận. Tác giả của bộ sách “Sài Gòn - Chuyện đời của phố” đã có những chia sẻ thú vị về chuyện đời, chuyện nghề, từ Sài Gòn xưa đến TPHCM hôm nay.

PV: Điều gì thôi thúc anh dành nhiều thời gian, công sức để sưu tập, lưu giữ tư liệu về văn hoá, con người, cảnh vật... của Sài Gòn xưa?

Nhà báo - nhà văn Phạm Công Luận: Tôi sưu tập tư liệu về Sài Gòn xưa, chủ yếu là sách báo, hình ảnh cùng một số hiện vật. Tuy vậy, số lượng không nhiều lắm. Nhiều báo hay tạp chí tôi chỉ đọc qua bản PDF. Ban đầu, thích đọc nên tôi mua về. Khi viết về Sài Gòn xưa, tôi đọc lại và tìm thấy nhiều tài liệu giúp cho công việc. Mọi chuyện diễn ra tự nhiên vậy thôi.

PV: Trong những tư liệu sưu tập được, điều gì để lại trong anh ấn tượng?

Phạm Công Luận: Thủ thỉ kể chuyện đời của Sài Gòn phố - Ảnh 1.

Chân dung tác giả Phạm Công Luận- Ảnh: Phước Long

Nhà báo - nhà văn Phạm Công Luận sinh năm 1961. Sự nghiệp viết sách của anh bắt đầu từ những năm đầu của thập niên 1990. Ngoài bộ sách Sài Gòn - Chuyện đời của phố (5 tập), anh còn là tác giả của một số cuốn sách được độc giả mến mộ như: Trên đường rong ruổi, Những lối về ấu thơ, Nếu biết trăm năm là hữu hạn (bút danh Phạm Lữ Ân, viết cùng người bạn đời của anh - chị Đặng Nguyễn Đông Vy), Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, Có một thời ở Chợ Lớn...

Nhà báo - nhà văn Phạm Công Luận: Tôi thích nhất bộ giai phẩm Xuân đang có. Thích báo Xuân từ nhỏ nên tôi luôn săn tìm khi có thể. Nhiều tờ báo tôi thấy treo ở sạp báo lúc lên 9-10 tuổi, rất mê mẩn vì bìa báo quá đẹp nhưng không có tiền mua. Mãi đến hơn nửa thế kỷ sau, tôi mới có được và giở đọc từ trang đầu tiên, như được trở về quá khứ vậy.

PV: Anh đã làm thế nào để chuyển tải những tư liệu sưu tập được vào các tác phẩm của mình một cách sinh động, chân thực?

Nhà báo - nhà văn Phạm Công Luận: Một bài viết thường hình thành từ nhiều phía: Sự suy ngẫm về đề tài, ghi chép từ phỏng vấn nhân vật, kiến thức sẵn có và những bổ sung sau đó. Tư liệu chỉ là một phần. Bài viết dùng nhiều tư liệu không chắc là hấp dẫn nếu tác giả chưa "tiêu hóa" được nó để dẫn chứng đúng lúc, đúng chỗ.

PV: Anh đã viết và xuất bản nhiều tác phẩm (sách, báo) về Sài Gòn, với nhiều góc nhìn khác nhau. Qua những tác phẩm ấy, anh muốn nhắn gửi điều gì?

Nhà báo - nhà văn Phạm Công Luận: Với những độc giả quan tâm đến chủ đề Sài Gòn, tôi nghĩ nên đọc ở các tác giả khác nhau để tham khảo dù để mở rộng kiến thức, hay để sau này trở thành một cây bút. Bên cạnh đó, cần đi nhiều, tự mình khám phá để hình thành góc nhìn riêng.

PV: Là người sinh ra và lớn lên tại thành phố này, được chứng kiến sự thay đổi từng ngày của thành phố. Anh có thể chia sẻ cảm nhận của mình về sự thay đổi ấy?

Phạm Công Luận: Thủ thỉ kể chuyện đời của Sài Gòn phố - Ảnh 2.

Bìa tập 5 (tập cuối) trong bộ sách “Sài Gòn - Chuyện đời của phố”

Nhà báo - nhà văn Phạm Công Luận: Ai cũng thấy Thành phố Hồ Chí Minh thay đổi nhanh ở nhiều mặt, nhất là trong khoảng chục năm nay. Diện mạo của Thành phố hiện đại và sạch đẹp hơn, cuộc sống tiện nghi hơn, cơ hội học tập, làm việc cũng rất nhiều. Đi kèm theo đó là các thách thức khác, như sự cạnh tranh hay yêu cầu ngày càng cao trong học tập, công việc... Sự xuất hiện của metro khiến mọi người phấn khởi vì đó là "chìa khóa" để giải "bài toán" giao thông của Thành phố. Tuy nhiên, phải mất nhiều thời gian và tiền của để mạng lưới này hình thành, như mọi người đã biết.

Phạm Công Luận: Thủ thỉ kể chuyện đời của Sài Gòn phố - Ảnh 3.

PV: Còn ít ngày nữa, cả nước sẽ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Cảm xúc của anh trước sự kiện này thế nào?

Nhà báo - nhà văn Phạm Công Luận: Tôi hiểu ý nghĩa quan trọng của hòa bình, của cuộc sống ổn định, của một môi trường sống tạo điều kiện cho mọi người được học tập, làm việc, phát huy năng lực của mình để phát triển bản thân, đóng góp cho xã hội. Trải qua nửa thế kỷ với những thăng trầm, Thành phố đã có được những bước phát triển mạnh mẽ. Tôi mong, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chuyển dần thành một đô thị đáng sống, là nơi dành cho tri thức phát triển, là thành phố xanh, sạch, đậm chất văn hóa hơn nữa.

Phạm Công Luận: Thủ thỉ kể chuyện đời của Sài Gòn phố - Ảnh 4.

Bìa các tác phẩm của tác giả Phạm Công Luận - Ảnh: Minh Hoà

PV: Trong những bước chuyển của Thành phố Hồ Chí Minh, điều gì khiến anh cảm thấy tự hào khi là người con của thành phố?

Nhà báo - nhà văn Phạm Công Luận: Năm mươi năm qua, tôi có niềm tự hào riêng là căn bản theo được cách sống mà cha mẹ, thầy cô đã dạy tôi hướng đến từ khi còn đi học.

PV: Cảm ơn anh đã chia sẻ cùng bạn đọc, chúc anh luôn mạnh khoẻ, thành công!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm