Phạm Lê Nam ám ảnh bởi bài hát ‘Thư gửi mẹ’ khi làm phim về Vị Xuyên

06/05/2018 - 22:39
Bài hát ‘Thư gửi mẹ’ của nhạc sĩ Trương Quý Hải đã ám ảnh đạo diễn Phạm Lê Nam khi anh thực hiện bộ phim tài liệu về chiến tranh Vị Xuyên ‘Một tấc đất không lùi’ – tác phẩm được trao giải Cánh Diều Bạc 2018

Nhận giải Cánh Diều Bạc với phim đề tài Vị Xuyên

Tại giải Cánh Diều 2018 của Hội Điện ảnh Việt Nam, bộ phim tài liệu 2 tập Một tấc đất không lùi do Phạm Lê Nam viết kịch bản và đạo diễn là tác phẩm được rất nhiều khán giả quan tâm. Trước hết, đây là một đề tài chưa có nhiều bộ phim đề cập: Mặt trận Vị Xuyên trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Điều đáng nói là, dù kể về chiến tranh nhưng phim không đào sâu chuyện đau thương hay thù hận mà khắc sâu công lao của các anh hùng liệt sĩ và đặc biệt là ghi lại những tình cảm rất nhân văn của những người lính cũng như người thân của họ.

Xem gần 60 phút của 2 tập phim Một tấc đất không lùi, có lẽ bất cứ ai cũng phải cảm động trước hình ảnh những người lính tuổi mới mười tám đôi mươi nhưng kiên gan, dám hy sinh cả bản thân mình để giữ biên cương tổ quốc mà không một chút đòi hỏi bù đắp. Bài hát Thư gửi mẹ của nhạc sĩ Trương Quý Hải được cất lên trong phim càng khiến người xem xúc động.

10.jpg
Đạo diễn Phạm Lê Nam nhận giải Cánh Diều Bạc 2018

 

Đạo diễn Phạm Lê Nam kể, anh bị ám ảnh bởi bài hát của nhạc sĩ Trương Quý Hải khi thực hiện bộ phim này. Nhạc sĩ Trương Quý Hải cũng là một người lính Vị Xuyên, chính tay ông làm nhiệm vụ khâm liệm chiến sĩ tử nạn. Một lần, ông bắt gặp trong túi áo đồng đội vừa hy sinh một lá thư gửi mẹ còn dính máu. Điều này đã thôi thúc ông sáng tác nên ca khúc Thư gửi mẹ nổi tiếng…

Tình đồng đội máu thịt, thiêng liêng của những người lính Vị Xuyên được kể lại rõ nét, sâu đậm trong bộ phim. Có anh theo lời dặn dò trăng trối của bạn mình trước khi mất đã tìm về quê bạn, đứng ra chăm lo cho vợ con của bạn. Có người đã hơn 30 năm trôi qua, nhưng năm nào cũng đến nhà người đồng đội đã khuất thắp cho bạn nén nhang. Có người đứng ra lập miếu thờ tại chiến trường xưa để bạn mình đỡ hiu quạnh…

Những người lính từng cùng vào sinh ra tử ở Vị Xuyên giờ gặp lại nhau trong thời bình còn yêu thương hơn cả máu thịt. Họ sống nghĩa tình, không quản ngại đỡ đần nhau và người thân của nhau, kể cả người còn kẻ mất. Và tinh thần kiên cường bất khuất, quyết một tấc đất không lùi vẫn còn mãi trong huyết quản những người lính Vị Xuyên, được họ truyền cho thế hệ tiếp nối…

Trước khi giành giải Cánh Diều Bạc 2018, bộ phim tài liệu Một tấc đất không lùi đã được trao Huy chương Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2017.

3.jpg
Đạo diễn Phạm Lê Nam cùng các cựu binh chiến trường Vị Xuyên
 

 

“Vị Xuyên là đề tài của cuộc đời”

“Với tôi, Vị Xuyên là đề tài cuộc đời” – đạo diễn Phạm Lê Nam nói. Nếu chưa biết Phạm Lê Nam, hẳn nhiều người sẽ bất ngờ không nghĩ rằng vị đạo diễn trẻ trung, lịch lãm này lại là tác giả của những thước phim đầy ám ảnh về chiến trường Vị Xuyên. Phạm Lê Nam sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trong những năm tháng thủ đô đã hoàn toàn hòa bình, không còn bóng dáng của chiến tranh. Từ suốt tuổi thơ cho đến thời kỳ trưởng thành, khói lửa đạn bom đã không còn hiện diện trong đời sống thế hệ sinh ra vào năm 1974 như anh. Vậy mà giờ đây, chiến tranh lại là đề tài ám ảnh cuộc đời anh.

Phạm Lê Nam kể, là người chuyên làm phim tài liệu, anh đã đặt chân lên Vị Xuyên nhiều lần. Nhưng chiến tranh Vị Xuyên thực sự ám ảnh anh cách đây 4 năm, kể từ khi anh có dịp cùng vợ mình là ca sĩ Ánh Tuyết của nhóm nhạc Con Gái lên đây. Chính tại nơi này, anh mới nhận ra một điều mà trước đây anh chưa từng để ý: Liệt sĩ Lê Văn Phương, chú ruột của vợ, đã hy sinh tại chiến trường Vị Xuyên.

“Tôi đã thắp hương ở ban thờ chú bao nhiêu lần, rồi chứng kiến bạn thân của chú là chú Trần Hữu Quân hàng năm đến thăm, chỉ nghĩ rằng chú là liệt sĩ ở một cuộc chiến nào xa lắm. Cho tới khi lên Vị Xuyên cùng vợ, tôi mới giật mình, vì chú mình hy sinh gần quá. Đó là năm 1987, khi tôi đã học lớp 10, nhưng tôi không hề biết gì về cuộc chiến ấy. Hà Nội lúc đó đã hòa bình, vui vẻ, những đứa học trò như tôi không biết rằng chỉ cách mấy trăm cây số đang có chiến tranh…”, Phạm Lê Nam chia sẻ.

5.jpg
Đạo diễn Phạm Lê Nam và ca sĩ Ánh Tuyết tại núi rừng Vị Xuyên 

 

Cũng trong chuyến đi đó, đạo diễn Phạm Lê Nam được NSƯT Minh Hằng – đồng nghiệp của ca sĩ Ánh Tuyết ở Nhà hát Tuổi trẻ - kể lại những điểm chị cảm nhận được sau một đêm ở lại trên đất Vị Xuyên. “Không chỉ tôi mà những người cùng đi đều cảm nhận được sự hiện hữu của anh linh những chiến sĩ đã ngã xuống nơi này. Chúng tôi như nghe các anh nói rằng, khi các anh nằm lại nơi này, máu thịt hòa với đất thì nhất định không để Tổ quốc mất một tấc đất nào”, anh nói.

Những điều đó đã khiến đạo diễn Phạm Lê Nam dành mối quan tâm đặc biệt về cuộc chiến Vị Xuyên. Càng tìm hiểu, anh càng trân quý, nể trọng những người lính nơi chiến trường này. “Tôi chỉ ít hơn các anh chừng 10-15 năm, thế hệ các anh đã sống trong hòa bình, nhưng khi đất nước cần các anh vẫn sẵn sàng hy sinh, Phạm Lê Nam cho biết.

Mang cảm giác thôi thúc phải làm một điều gì đó, Phạm Lê Nam bắt tay vào thực hiện phim tài liệu về Vị Xuyên. Nhưng khi làm xong bộ phim dài 30 phút, anh thấy vẫn không đủ, cứ muốn làm tiếp. Tính đến Một tấc đất không lùi, anh đã thực hiện 7 bộ phim tài liệu về Vị Xuyên, đó là chưa kể đến một phim ca nhạc gồm những bài hát về chiến trường này. Nhưng không dừng lại đó, Phạm Lê Nam tiết lộ, anh đang ấp ủ một bộ phim truyền hình dài tập về cuộc chiến kéo dài suốt 10 năm ở biên giới Hà Giang.

Trước đây, Phạm Lê Nam đã có nhiều bộ phim được đánh giá cao, đặc biệt là thể loại phim tài liệu. Khi gắn bó với Vị Xuyên – một mảng đề tài mới, cần những thước phim nghiêm chỉnh, mang tính lịch sử lưu giữ cho mai sau, anh cực kỳ cẩn trọng. Không chỉ làm phim bằng tình cảm, cảm xúc, anh luôn cân nhắc từng chi tiết, từng khuôn hình để tác phẩm của mình đáp ứng được yêu cầu của từng giai đoạn lịch sử. Phạm Lê Nam nói, anh luôn tâm niệm điều mà đạo diễn – NSND Trần Văn Thủy dặn anh: Làm phim, cứ cái gì có lợi cho dân, cho nước thì làm.

Thiếu tá - NSƯT Phạm Lê Nam là Phó Giám đốc Điện ảnh Công an Nhân dân. Ngoài giải Cánh Diều Bạc 2018, anh từng giành nhiều giải cao tại các kỳ Liên hoan Truyền hình toàn quốc, trong đó có 2 tác phẩm đoạt giải Vàng là Gửi năm tháng sống tặng đồng đội tôi Chuyện ông trưởng thôn quê tôi.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm