Phạm nhân nữ có chế độ thai sản không?

29/07/2016 - 21:00
Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 đã bổ sung thêm quy định mới về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Hỏi:
Con gái tôi phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khi đang mang thai. Cơ quan Nhà nước đã áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Nhưng sau đó, cháu đã bỏ trốn và 1 tháng sau thì bị cơ quan công an bắt theo lệnh truy nã. Sắp tới, dự định cháu sẽ sinh con trong trại tạm giam. Gia đình tôi rất lo lắng, bởi không biết người mẹ và trẻ sơ sinh sẽ được hưởng những chế độ đặc biệt gì?

(Nguyễn Mạnh Hưng, quận 6, TPHCM)

1.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn ST

Trả lời:

Tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất trong số các biện pháp ngăn chặn theo qui định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Theo quy định tại khoản 2 Điều 88 Bộ Luật Tố tụng Hình sự, đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp sau đây:

a) Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã;

b) Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử;

c) Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

Đối chiếu những quy định trên thì con gái ông bị tạm giam trong quá trình mang thai là có sơ sở pháp lý.

Về vấn đề chính ông hỏi, xin trả lời như sau:

Ngày 29/6/2016, Quốc hội khoá XIII đã thông qua Nghị quyết số 144/2016/QH13. Theo Nghị quyết này, Quốc hội quyết nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Đồng thời, lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 từ ngày 1/7/2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, cũng theo Nghị quyết số 144 của Quốc hội, từ ngày 1/7/2016, vẫn thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3, Điều 7 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật Hình sự; tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109/2015/QH13.

Như vậy, quy định mới về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, trong đó có đối tượng là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam vẫn sẽ được áp dụng, từ ngày 1/7/2016.

Điều 35 Luật Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định cụ thể về chế độ ăn, ở, quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Cụ thể là, người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai sẽ được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai, được chăm sóc y tế, được hưởng chế độ ăn uống bảo đảm sức khỏe; nếu sinh con thì được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sĩ hoặc bác sĩ, được cấp thực phẩm, đồ dùng, thuốc men cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh, được bảo đảm thời gian cho con bú trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ.

Cơ sở giam giữ có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị đăng ký khai sinh. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở giam giữ đóng trụ sở có trách nhiệm đăng ký và cấp giấy khai sinh. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu là ba mét vuông. Cơ sở giam giữ phải tổ chức việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có con từ đủ 36 tháng tuổi trở lên thì phải gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng; trường hợp không có thân nhân nhận nuôi dưỡng thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có cơ sở giam giữ chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng.

Trong thời hạn 2 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam sau khi được trả tự do được nhận lại con đang được cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng.

Như vậy, với quy định trên, gia đình ông hãy yên tâm bởi người mẹ và con mới sinh trong trại tạm giam sẽ được hưởng sự quan tâm, chăm sóc rất đầy đủ.


Ls Dương Quốc Hưng

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm