Với sự hỗ trợ của Giám đốc âm nhạc Trần Thanh Phương và cố vấn âm nhạc Huyền Nga, chương trình chia làm 3 phần với 3 mảng màu chính, được kết lại với nhau xuyên suốt bằng bán cổ điển – phong cách âm nhạc mà Phạm Thu Hà theo đuổi.
Phần đầu tiên là những ca khúc hoặc trích đoạn nhạc cổ điển quốc tế, tiếp theo là các ca khúc tình ca bất hủ và cuối cùng là những bài ca đi cùng năm tháng. Tuy nhiên, các bài hát trong từng phần đều được cất lên trong những bản phối vừa quen thuộc, vừa lạ tai khiến cho người nghe hoàn toàn thích thú.
Hai tiếng thường thức âm nhạc dường như trôi đi thật nhanh với khán giả Hà thành. Hàng nghìn khán giả đã ngồi đến giây phút cuối cùng khi nữ ca sĩ nói lời chào tạm biệt. Một đêm nhạc hiếm hoi không có cảnh người di chuyển ra ngoài giữa chừng hay nói chuyện mất tập trung, chỉ có những tiếng vỗ tay không ngớt trong những đoạn cao trào hoặc cuối mỗi tiết mục. Có thể coi đó là kết quả hoàn hảo của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa Phạm Thu Hà và ekip chơi nhạc, bè phối và dàn âm thanh ánh sáng đỉnh cao.
Chương trình mở đầu bằng Habanera – trích đoạn kinh điển trong vở nhạc kịch Carmen – đồng thời là tác phẩm gắn liền với giai đoạn đầu tiên trong sự nghiệp ca hát của Phạm Thu Hà. Sân khấu đầy huyền ảo tái hiện cuộc sống về đêm phồn hoa và lãng mạn của Paris, Phạm Thu Hà xuất hiện lộng lẫy và sang trọng trong bộ váy đen. Cô cầm theo bông hồng đỏ rực rỡ, cất giọng hát cao vút lôi cuốn khán giả đến với câu chuyện tình yêu cháy bỏng nồng nàn của mình. Vốn theo học nhạc cổ điển nên các ca khúc tiếp theo như Besame Mucho, Voi che sapete che… cũng được cô thể hiện bằng một phong cách đỉnh cao hiếm thấy.
Ca khúc Phantom of the opera với phần kết hợp của Phạm Thu Hà và rockband Ngũ Cung là một trong những phần trình diễn đáng được mong chờ nhất. Phạm Thu Hà và Ngũ Cung đã làm khán giả đã tai khi biểu diễn hòa quyện, tôn vinh nhau. Sự vút cao và cháy bỏng trong giọng hát Phạm Thu Hà như càng được tôn vinh hơn trong sự bốc lửa đầy cuồng nhiệt của Ngũ Cung. Đây là tiết mục đánh dấu lần đầu tiên kết hợp cùng nhạc rock của Phạm Thu Hà.
Nếu Ngũ Cung điểm xuyết cho đêm nhạc nét sôi động, bùng nổ, thì Quang Dũng lại mang đến sự ấm áp và chân thành. Anh được khán giả đón nhận cuồng nhiệt khi cùng Phạm Thu Hà trình diễn Tình ca và đơn ca 2 tiết mục Niệm khúc cuối, Áo lụa Hà Đông.
Điểm xúc động nhất của đêm nhạc là khi Phạm Thu Hà trình diễn các ca khúc tình ca trong đĩa than Đường em đi của cô. Ở Chiều về trên sông, nữ ca sĩ vừa truyền tải được hồn cốt của bài hát, sự lạnh lẽo buồn thương của tình cảm âm dương chia lìa. Trong khi đó, ở Còn gì nữa đâu là nỗi buồn khổ và bất lực của con người khi đứng trước sự xa cách trong tình yêu.
Phần hay và thú vị nhất của Phạm Thu Hà là ở nửa cuối cùng. Cơn chuột rút bất ngờ khiến cô phải tháo giày nhưng có lẽ chính vì thế mà nữ ca sĩ tự tin và sung mãn hơn. Chuỗi các ca khúc đi cùng năm tháng như Hướng về Hà Nội, Tiếng đàn Ta Lư, Chào anh giải phóng quân, Chào mùa xuân đại thắng được cô trình diễn tự tin, tràn đầy năng lượng, vừa giữ được hồn cốt của ca khúc nguyên bản, vừa thể hiện được kỹ thuật thanh nhạc đỉnh cao.
Sau đêm diễn, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh nhận xét: “Với cách lựa chọn bài hát thông minh, Phạm Thu Hà đã khoe được chất giọng với âm vực đa dạng của mình. Tôi đặc biệt thích Hà khi cô trình diễn các ca khúc Cách mạng bởi trong các tác phẩm này, Hà như được trở về đúng với ‘môi trường’ âm nhạc của mình. Cô diễn tự tin và thực sự rất cuốn hút”.
Tròn đầy, trọn vẹn – đó là chân dung âm nhạc của Phạm Thu Hà sau đêm diễn. Nhìn xuyên suốt, người nghe sẽ thấy sự xuất hiện của âm nhạc phương Tây – cái nôi của nhạc bán cổ điển. Song song đó, Phạm Thu Hà cũng trình diễn rất thành công các ca khúc Việt Nam, đặc biệt là giữ được hồn cốt dân tộc ở nét Nam Bộ trong những đoạn ngân của Chiều về trên sông, nét ca trù trong Hồ trên núi, nét dân ca Trị Thiên trong Tiếng đàn Ta Lư… Nếu không được đào tạo bài bản và tìm hiểu kỹ càng, chắc chắn khó có thể làm được điều đó.
Trong đêm nhạc của mình, ngoài sự tri ân với khán giả, Phạm Thu Hà cũng không quên gửi lời cảm ơn đến những người đã giúp cô hiểu và khắc họa rõ nét hơn chân dung âm nhạc của mình, đó là nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, Đức Trí, Vũ Anh Tuấn, Thanh Phương, Duy Cường… Chính bởi sự tròn đầy, có trước có sau như vậy mà con đường âm nhạc Phạm Thu Hà chọn đi luôn thênh thang và ấm áp. Đó đồng thời là cách sống, cách làm nhạc bền bỉ, trọn vẹn nghĩa tình của giọng ca đến từ thành phố hoa phượng đỏ này.
Phạm Thu Hà là nghệ sĩ được chọn mở màn cho mùa 2018-2019 chương trình Chân dung âm nhạc - chuỗi sự kiện âm nhạc định kỳ do Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC tổ chức. Cùng với việc tham gia của các ca sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn nổi tiếng, chương trình được đầu tư và dàn dựng công phu cả về phối khí, biên tập, trình diễn và ghi hình nhằm khắc họa rõ nét chân dung của những nghệ sĩ có cá tính âm nhạc độc đáo, có đóng góp tích cực vào sự phát triển đa dạng trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam.