pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phát động phong trào thi đua yêu nước toàn quốc giai đoạn 2021 - 2025
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn đại biểu Hội LHPN Việt Nam dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ X. Ảnh: Trường Hùng
Đánh giá về quá trình thi đua yêu nước toàn quốc giai đoạn 2016 – 2025, Thủ tướng nhấn mạnh, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong 5 năm qua đã có nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Các phong trào thi đua phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, tạo động lực quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, của các cấp, các ngành và từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Những thành tựu đó là nền tảng để chúng ta tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ, hiệu quả hơn vì một nước Việt Nam dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Từ những phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua và các tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng các danh hiệu, hình thức khen thưởng cao quý.
Từ động lực của giai đoạn qua, thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội và Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động Phong trào thi đua trong cả nước giai đoạn 2021-2025 với chủ đề: "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", trong đó, tập trung vào những lĩnh vực, nội dung sau:
Thứ nhất, thi đua xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước... khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới, đột phá mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Các Ban, Bộ, ngành Trung ương thi đua đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, hội nhập, đảm bảo khả thi, hiệu quả, nghiêm minh, theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và phát triển; xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Các địa phương thi đua xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh, đồng bộ, khả thi, mang tính đột phá để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Thứ hai, thi đua phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số. Xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của những ngành mới, lĩnh vực mới.
Thứ ba, thi đua xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh Phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và các phong trào trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, phong trào khuyến học khuyến tài và các phong trào phong phú khác, đảm bảo quyền làm chủ và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đặc biệt nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục đào tạo.
Bên cạnh đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ căn bản về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, phát triển mạnh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học xã hội, tận dụng và phát triển cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc.
Thứ tư, tiếp tục phát động các phong trào thi đua trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, vun đắp niềm tin, niềm tự hào, hướng về Tổ quốc, chung tay, chung sức xây dựng quê hương, đất nước.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trong lĩnh vực xây dựng Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hướng các phong trào thi đua vào việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, gắn phong trào thi đua với việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, trong đó tập trung xây dựng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
"Thi đua thực hiện cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tâm, có tầm, có phẩm chất tốt và trình độ chuyên môn cao, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế" - Thủ tướng nhấn mạnh.