Phát hiện trẻ sơ sinh VN bị chứng đầu nhỏ nghi do Zika

17/10/2016 - 19:21
Bộ Y tế vừa phát hiện một trẻ sơ sinh ở nước ta bị chứng đầu nhỏ. Bộ đang phối hợp để làm rõ nguyên nhân trẻ này bị chứng đầu nhỏ có phải do virus Zika hay không.
Theo Bộ Y tế, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ đã ghi nhận 1 trẻ 4 tháng tuổi (trú tại huyện Krông Búk, Đắk Lắk) bị dị tật bẩm sinh nghi mắc chứng đầu nhỏ.

Nghi ngờ bệnh nhi bị chứng đầu nhỏ do virus Zika, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đã lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ để xét nghiệm. Hiện Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ đang phối hợp với phòng xét nghiệm của Đại học Nagasaki Nhật Bản tiến hành các xét nghiệm virus Zika để làm rõ nguyên nhân.

Trước tình hình trên, ngày 17/10, Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) đã họp khẩn để làm rõ thông tin trên. Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, chỉ 1% số trẻ sinh ra bị chứng đầu nhỏ từ người mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Vào đầu tháng 10/2016, Thái Lan cũng đã ghi nhận 2 trẻ sơ sinh bị chứng đầu nhỏ có liên quan đến virus Zika. Do Việt Nam cũng đã lưu hành loại virus này, nên việc trẻ bị bị chứng đầu nhỏ do virus Zika có thể xảy ra.
nhung-em-be-khong-co-hop-so-song-nhu-the-nao.jpg
Trẻ sơ sinh nước ngoài bị chứng đầu nhỏ nghi do virus Zika
Theo EOC, trong thời gian tới, có thể sẽ có thêm nhiều trường hợp nhiễm virus Zika, đặc biệt là tại các vùng lưu hành loại muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, Cục Y tế Dự phòng cho rằng, chứng đầu nhỏ còn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như mẹ nhiễm virus, vi khuẩn (giang mai…), ký sinh trùng (Toxoplasma…), nhiễm độc, suy dinh dưỡng, yếu tố di truyền… khi mang thai.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ đã chỉ đạo Cục Y tế Dự phòng phối hợp với các đơn vị trực thuộc lập đoàn điều tra, xem xét, khám lâm sàng để làm rõ nguyên nhân bệnh đầu nhỏ của trường hợp trên. Hiện tại, Bộ đã nâng mức cảnh báo và đáp ứng hoạt động của Văn phòng EOC và khuyến cáo phụ nữ dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền virus Zika; phụ nữ mang thai, đặc biệt có thai trong 3 tháng đầu, đang sinh sống hoặc từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn…

Trước đó, như PNVN đã thông tin, Việt Nam đã phát hiện 7 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó có 6 bệnh nhân là nữ. Ngoài ra, còn có 3 người nước ngoài bị nhiễm virus Zika có thời gian ủ bệnh tại Việt Nam.

Để ngăn ngừa virus Zika, Bộ Y tế đã triển khai các biện pháp phòng chống muỗi đốt tại các địa phương và lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời, tuyên truyền để người dân thực hiện các biện pháp phòng chống virus Zika theo khuyến cáo của ngành y tế. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm