Phạt nặng chủ sử dụng lao động không trả sổ BHXH cho người lao động

PV
11/03/2020 - 10:32
Phạt nặng chủ sử dụng lao động không trả sổ BHXH cho người lao động
Từ ngày 15/4/2020, chủ sử dụng lao động có hành vi vi phạm không trả sổ BHXH cho người lao động sẽ bị phạt lên tới 4 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động.

Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ 15/4/2020. Theo đó, trong lĩnh vực BHXH, Nghị định này quy định các hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả với từng hành vi vi phạm.

Với những hành vi vi phạm quy định về đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 38) sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội.

Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Chậm đóng, đóng không đúng mức quy định, đóng không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạt nặng chủ sử dụng lao động không trả sổ BHXH cho người lao động - Ảnh 1.

Chủ sử dụng lao động có hành vi vi phạm không trả sổ BHXH cho người lao động sẽ bị phạt lên tới 4 triệu đồng. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Nghị định này cũng quy định mức phạt với những hành vi vi phạm về lập hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm, như: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm: kê khai không đúng sự thật, tẩy xóa làm sai sự thật nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Cũng với hành vi vi phạm này của người sử dụng lao động, có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi, sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Người sử dụng lao động có hành vi không trả chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được tiền do cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển đến sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.

Ngoài ra, với hành vi không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội, chủ sử dụng lao động bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm