pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phát triển du lịch cũng là phương cách để bảo vệ môi trường
Đi từ trung tâm huyện Sốp Cộp, Sơn La về hướng biên giới Lào, sẽ gặp trùng điệp những quả núi làm người ta liên tưởng tới các sân golf: chúng phẳng lì, tròn trịa, chỉ phủ một lớp cỏ mỏng.
Như mọi dãy núi của vùng Tây Bắc Việt Nam, nơi đó từng là những cánh rừng nhiệt đới giàu có. Cho tới khi bị đốn hạ vì sinh kế của người dân địa phương.
Hai màu của rừng
NASA gần đây công bố một biểu đồ đo sự biến đổi cây xanh trên bề mặt trái đất từ năm 2000 tới năm 2017. Các vùng màu xanh thể hiện cây xanh tăng lên, màu nâu thể hiện cây xanh giảm xuống, càng đậm thì tỷ lệ càng cao. Phần lớn vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đều mang màu nâu đậm.
Bản đồ Việt Nam - không có gì ngạc nhiên - trong gần hai thập niên qua, có những khoảng màu nâu đậm rộng hơn nhiều so với khoảng màu xanh đậm.
Nhưng trên biểu đồ của NASA, sẽ nhìn thấy một quy luật khi nhìn vào các khoảng màu xanh: rất dễ nhận ra rằng các tỉnh có mật độ cây xanh tăng lên tập trung ở vùng đồng bằng và duyên hải. Đó là những nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn trong 2 thập kỷ qua. Người dân không còn phụ thuộc vào việc phá rừng để tồn tại.
Ở phía Bắc, tỉnh có mật độ cây xanh tăng cao nhất là Lạng Sơn - một cửa khẩu kinh tế trọng điểm. Ở Nam Trung Bộ, "điểm xanh" Quảng Nam là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng, với các khu công nghiệp và trung tâm du lịch Hội An. Quảng Bình trong thập kỷ 2000 - 2010 cũng liên tục duy trì mức tăng trưởng 2 con số.
Tại Đông Giang, Quảng Nam, một người ông già Cơ Tu chỉ về hướng rừng quốc gia Bà Nà - Núi Chúa và nhớ lại một thời. "Mình vào rừng phát rẫy phát nương. Dính bẫy con gì mình bắt con đó". Ông thuộc về một thế hệ coi rừng là nguồn sống duy nhất.
Ông già Cơ Tu chỉ về hướng rừng quốc gia Bà Nà - Núi Chúa và nhớ lại một thời
Nhưng thế hệ người Cơ Tu và những cư dân sống quanh rừng Bà Nà bây giờ đã mang một số phận khác: họ được chính quyền định hướng chuyển từ kinh tế thuần nông sang kinh tế dịch vụ du lịch. Lác đác những vị khách tóc vàng da trắng lang thang giữa làng bản.
Các tỉnh có tỷ lệ suy giảm rừng mạnh nhất trong 2 thập niên đầu thế kỷ 21 cũng là những tỉnh đang khó khăn trong việc tìm đường phát triển nhất. Hình ảnh những quả núi trọc ở Sốp Cộp, Sơn La chỉ là đại diện cho số phận của một huyện nghèo nhất nước.
Sự tương phản có thể nhìn thấy tại vùng núi phía Bắc: giữa một vùng nâu đậm, gồm Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, có một chấm xanh hiện lên tại Lào Cai. Ngoài cửa khẩu quốc tế nhộn nhịp, tỉnh này là một trong những điểm sáng về du lịch vùng, với Sapa và quần thể du lịch Fansipan Legend. Du lịch đóng góp 11,5% tổng sản phẩm nội địa của tỉnh này trong giai đoạn 2010 - 2015. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thậm chí đã đặt mục tiêu 30% GDP của Lào Cai đến từ du lịch.
Các nhà khoa học tại Viện Phân tích Hệ thống ứng dụng Quốc tế (IIASA) tại Áo, sau khi nghiên cứu số liệu từ 130 quốc gia, khẳng định rằng mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phá rừng là một đường parabol ngược.
Tức là ban đầu, khi kinh tế mới phát triển, rừng sẽ có xu hướng giảm (bị phá lấy đất sản xuất, đất ở). Nhưng khi nền kinh tế đạt một mức độ trưởng thành nhất định, thì điều ngược lại diễn ra: rừng sẽ tăng cùng với mức độ phát triển kinh tế.
Theo phân tích của IIASA, ở phần lớn các nước đang phát triển, ví dụ như các nước châu Phi, hay Nam Á, càng tăng trưởng rừng càng giảm. Nhưng tới khi vượt qua "điểm cân bằng" - tương đương với mức độ phát triển của Ukraine hoặc Thái Lan - càng phát triển kinh tế, độ che phủ xanh lại càng tăng.
Việt Nam đang tiến rất nhanh tới điểm cân bằng này. Tức là sau một quá khứ tàn phá, nếu tiếp tục thúc đẩy phát triển bền vững, chúng ta có thêm triển vọng gìn giữ và tái tạo rừng.
Du lịch xanh
"Du lịch, đang tăng trưởng rất nhanh tại Việt Nam, có thể bảo vệ những khu vực hoang dã, nhưng chỉ khi chúng được quản lý cẩn thận" - báo New York Times viết trong một phóng sự tháng 4 năm 2019. Bài viết có tên "Những cánh rừng rỗng của Việt Nam", bàn về mối đe dọa với đa dạng sinh học tại nước ta.
Du lịch là một phần quan trọng trong cuộc chuyển dịch kinh tế của nhiều tỉnh thành tại Việt Nam. Quảng Nam, Lào Cai, những điểm sáng hiếm hoi về "độ xanh" cũng là điểm sáng về du lịch. Tương tự, Quảng Bình hay Lạng Sơn cũng có tốc độ tăng trưởng du lịch ấn tượng trong thập kỷ qua.
Nhưng du lịch, cũng như mọi ngành kinh tế khác, cũng có thể gây tác động xấu đến môi trường. Đơn cử như rác thải: khách du lịch tất nhiên sẽ sử dụng nhiều nước uống đóng chai hơn người ở nhà. Quỹ Thiên nhiên hoang dã thế giới thậm chí còn khẳng định rằng 40% rác nhựa thải xuống biển Địa Trung Hải là từ du lịch. Với 80 triệu khách nội địa và hơn 15 triệu khách quốc tế mỗi năm, lượng rác nhựa thải ra từ hoạt động lữ hành tại Việt Nam là một con số khổng lồ.
Khi chưa có khung pháp lý hạn chế hoạt động này, mọi thứ đều phải trông vào sự tự ý thức của khách du lịch và giới kinh doanh.
"Xanh" vì thế đang trở thành một trong những "yếu tố bán hàng" (unique selling-point) được nhiều doanh nghiệp du lịch đề cao. Các doanh nghiệp lớn liên tục đưa ra các cam kết về môi trường. Hệ thống khách sạn của Melía và Vinpearl tuyên bố thay thế ống hút nhựa bằng ống hút giấy. Hệ thống du thuyền của hãng Paradise Cruise trên vịnh Hạ Long cũng tuyên bố "đoạn tuyệt" với hàng chục nghìn ống hút mỗi năm.
Thậm chí có dự án như Premier Village Ha Long Bay Resort của Sun Group, ngay từ khi chưa chính thức khai trương, đã đưa ra cam kết giảm thiểu rác thải nhựa bằng việc thay đồ dùng trong các phòng nghỉ bằng gỗ, giấy. Việc sử dụng chai nước thủy tinh có thể tái sử dụng đặt trong phòng - một cử chỉ rất nhỏ - giờ cũng trở thành điểm nhấn trong các khu nghỉ dưỡng của Sun Group.
Nhận thức của du khách - đặc biệt là lượng khách chi trả cao - đặt ra đòi hỏi "xanh" cho ngành du lịch.
Khu nghỉ dưỡng InterContinental DaNang trên bán đảo Sơn Trà khẳng định rằng bảo vệ môi trường tự nhiên của bán đảo, và cụ thể hơn là không gian sống của voọc chà vá chân nâu là nhiệm vụ quan trọng trong sự tồn tại của họ. Khu resort cao cấp này có một nhà bảo tồn trong biên chế chính thức, và có "bộ quy tắc ứng xử" riêng với đời sống hoang dã của các động vật, trong đó có voọc, trong khuôn viên của mình.
Tài nguyên du lịch của Việt Nam, với 8 di sản UNESCO, 30 vườn quốc gia (trong đó có 6 vườn di sản ASEAN) và vô số các danh hiệu "bãi biển đẹp nhất" hay "vịnh đẹp nhất" được xác định là động lực kinh tế quan trọng của tương lai.
Nhưng nếu nhìn vào hiện trạng môi trường Việt Nam, thì trách nhiệm của các nhà đầu tư không chỉ nằm ở khía cạnh kinh tế. Chính việc thúc đẩy du lịch, và đảm bảo trách nhiệm của những người làm du lịch, là một trong những vũ khí quan trọng nhất bảo vệ môi trường tại Việt Nam - nơi mà báo New York Times gọi là "một điểm nóng về đa dạng sinh học".