Phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở Hà Giang

Thu Hà
31/10/2022 - 20:38
Phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở Hà Giang

Ngày càng có nhiều mô hình du lịch cộng đồng được bà con xây dựng và phát triển tại Hà Giang

Trong những năm gần đây, Hà Giang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, mang lại lợi ích về kinh tế, từng bước giúp đồng bào thoát nghèo.

"Đánh thức" tiềm năng du lịch

Với lợi thế từ cảnh quan thiên nhiên đến văn hóa truyền thống, Hà Giang là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch. Những thắng cảnh hùng vĩ như: đỉnh Mã Pí Lèng, Cao nguyên đá Đồng Văn hay ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được xem như món quà tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng vùng đất này.

Hà Giang còn nổi tiếng có nền văn hóa đa dạng và lâu đời với 19 dân tộc anh em như Mông, Tày, Dao... cùng sinh sống. Bởi vậy, nhắc đến Hà Giang là người ta nghĩ tới một vùng đất với những tiếng khèn Mông réo rắt, những làn điệu Sli dập dìu hay chợ Khâu Vai tình tứ đã se duyên kết tóc cho biết bao đôi trai gái yêu nhau.

Hà Giang thu hút khách bởi vẻ đẹp của cảnh quan và nền văn hóa đa sắc tộc

Hà Giang thu hút khách bởi vẻ đẹp của cảnh quan và nền văn hóa đa sắc tộc

Tận dụng tất cả những lợi thế đó, Hà Giang đã và đang tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ). Không chỉ góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, DLCĐ còn giúp đồng bào các dân tộc nơi đây xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống.

Những năm gần đây, nhờ sự phát triển của mạng xã hội, người ta biết đến Hà Giang nhiều hơn. Nhiều người có sở thích đi du lịch trải nghiệm đã chia sẻ những kinh nghiệm chinh phục miền sơn cước khiến lượng khách đổ về Hà Giang tăng nhanh chóng. Theo đó, các dịch vụ du lịch tại Hà Giang dần phong phú và chuyên nghiệp hơn. Đồng bào dân tộc thiểu số cũng được hướng dẫn cách làm du lịch và không ít nơi hình thành nên những làng DLCĐ thu hút nhiều du khách tham quan.

Cải thiện đời sống nhờ làm du lịch cộng đồng

Mô hình Homestay (nhà lưu trú địa phương) rất thu hút khách du lịch

Các mô hình homestay (nhà lưu trú địa phương) rất thu hút khách du lịch

Tại thôn Nậm Đăm, xã Quản Bạ (huyện Quản Bạ), lãnh đạo xã cho biết, năm 2020, trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, nơi đây đã đón khoảng 8.500 lượt khách, trong đó trên 6.000 lượt khách lưu trú, cho doanh thu 1.800 tỷ đồng. Đó là nhờ những nỗ lực không ngừng của bà con đồng bào dân tộc Dao khi mạnh dạn phát triển mô hình DLCĐ, hình thành làng văn hóa với nhiều nét đẹp truyền thống. Những nếp nhà trình tường lâu đời, những con đường nhỏ quanh co uốn lượn, những cánh đồng hoa nhẹ nhàng và bình dị khiến bất cứ ai đến đây cũng mê mẩn.

Hay tại xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn vốn nổi tiếng với những chuyến du lịch chinh phục cột cờ cực bắc Tổ quốc, ông Sình Dỉ Gai, trưởng thôn Lô Lô Chải, cho biết: "Thôn có 104 hộ là người Lô Lô và 10 hộ là người Mông. Trước đây, dân trong làng chỉ biết trồng ngô. Được mùa thì còn đủ ăn chứ năm nào mất mùa, giá thấp có khi đói 2-3 tháng. Mấy năm vừa qua, huyện Đồng Văn đẩy mạnh phát triển DLCĐ, 11 hộ trong thôn đã làm DLCĐ kết hợp với làm dịch vụ như bán hàng lưu niệm, đặc sản… nên thu nhập tăng, đời sống được cải thiện rõ rệt".

Phụ nữ Tày làm bánh chưng gù bán hàng lưu niệm. Đây là sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP

Phụ nữ Tày làm bánh chưng gù đặc sản. Đây là sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP

Đồng bào dân tộc thiểu số bán hàng lưu niệm, cải thiện kinh tế

Đồng bào dân tộc thiểu số bán mặt hàng vải dệt thổ cẩm làm quà lưu niệm, góp phần cải thiện kinh tế

Được sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh, Hà Giang hiện có 15 làng văn hóa DLCĐ hoàn thành đủ các tiêu chí và được Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận là Làng văn hóa du lịch tiêu biểu. Việc khai thác du lịch đúng hướng và hiệu quả đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc phát triển sinh kế. 

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, DLCĐ hiện đem lại thu nhập bình quân từ 50 - 70 triệu đồng/năm/hộ làm dịch vụ, trong đó có những hộ doanh thu đạt 200 triệu đồng/năm. Tỉnh Hà Giang cũng đã phê duyệt Đề án Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa đến năm 2025, trong đó tập trung ưu tiên phát triển DLCĐ tại các làng văn hóa, góp phần đa dạng hóa và hoàn thiện sản phẩm DLCĐ.

Trong thời gian tới, nhằm đẩy mạnh phát triển DLCĐ, bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục hướng dẫn đồng bào các dân tộc cách làm du lịch, trong đó quan tâm nhiều hơn đến bảo vệ cảnh quan, môi trường, nâng cấp dịch vụ, bảo tồn bản sắc văn hóa từng dân tộc, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch… Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển thị trường khách du lịch nội địa, thu hút khách du lịch quốc tế sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt như hiện tại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm