Phát triển nghề mây tre đan, tạo việc làm cho người dân địa phương

Lan Hương
08/12/2022 - 20:48
Phát triển nghề mây tre đan, tạo việc làm cho người dân địa phương

Chị Lê Thị Hằng

Chị Lê Thị Hằng có quyết tâm làm giàu bằng chính nghề truyền thống trên mảnh đất quê hương, góp phần phát triển nghề mây tre đan và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Phát triển nghề mây tre đan của địa phương

Thịnh Hòa là một ngôi làng thuần nông thuộc xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Người dân trong làng bao đời nay chủ yếu canh tác nông nghiệp và làm nghề mây tre đan truyền thống. 

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất làng nghề truyền thống ấy, từ bé chị Hằng đã quen tay, hay đan lát ra các sản phẩm mây tre đan như rổ, rá, dần, sàng… Cây tre, cây mây dưới bàn tay của những con người cần mẫn, cẩn thận như chị Hằng đã thành những sản phẩm bình dị mà vô cùng tinh tế. 

Từ tình yêu trong từng nan tre, sợi mây, với mong muốn phát triển làng nghề truyền thống của cha ông để lại, chị Hằng đã mạnh dạn đầu tư mở cơ sở sản xuất mây tre đan có quy mô lớn trên địa bàn xã.

Người xưa thường ví von "hay làm nghề hát, mạt làm nghề đan" để nói sự nhọc nhằn của nghề đan lát. Ấy vậy nhưng với hướng đi đúng đắn trong việc phát triển việc kinh doanh nghề  mây tre đan, cơ sở sản xuất của chị Hằng cho thu nhập đều đặn hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Với các mặt hàng truyền thống như rổ, rá, nong, nia, dần, sàng… từ sản xuất phục vụ tiêu thụ trong vùng, nay các sản phẩm trong cơ sở của chị đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của địa phương. Trung bình mỗi năm cơ sở xuất đi từ 13 -15 container hàng sang các huyện bạn như Nông Cống, Thọ Xuân, Nga Sơn, Hậu Lộc, mang lại hơn chục tỷ đồng mỗi năm cho địa phương.

Phát triển nghề truyền thống của địa phương - Ảnh 2.

Cơ sở sản xuất của chị Hằng cung cấp mặt hàng xuất khẩu chủ lực của địa phương

Không chỉ tạo thu nhập kinh tế tốt cho gia đình, chị Hằng còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn trong xã và các xã bạn. Đến nay, gia đình nào trong làng cũng có người tham gia sản xuất mây tre đan, với thu nhập bình quân 150.000 đồng - 200.000 đồng/người/ngày. Nghề mây tre đan lại là nghề cứu đói, cứu nghèo rất thiết thực cho bà con nông dân.

Làm kinh tế giỏi đã giúp cuộc sống gia đình chị Hằng ổn định hơn nhiều, căn nhà khang trang được dựng nên từ sự chăm chỉ, hăng say lao động của vợ chồng chị Hằng. Trong căn nhà ấm cúng ấy, không thể thiếu đôi bàn tay của chị Hằng - người mẹ, người vợ tần tảo, đảm đang. Sinh được 3 người con, chị đều chăm sóc, dạy dỗ các con thành đạt, nên người. 

Phát triển nghề truyền thống của địa phương - Ảnh 3.

Chị Hằng luôn cố gắng làm ra những sản phẩm đa dạng mẫu mã để đáp ứng thị hiếu của khách hàng

Tích cực trong công tác Hội

Nhắc đến chị Hằng, người ta còn biết đến một hội viên Hội phụ nữ năng nổ, tích cực trong các hoạt động của Chi hội. Ngoài thời gian tham gia sản xuất làm kinh tế, chị còn cùng chị em trong thôn, trong xã giao lưu văn hóa văn nghệ. Chị Hằng luôn gương mẫu trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động quyên góp ủng hộ của Hội, các cuộc vận động do địa phương phát động. 

Mới đây, chị Hằng vinh dự được UBND xã Hoằng Thịnh tặng Giấy khen cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động công tác Hội và phong trào Phụ nữ xã nhiệm kỳ 2016-2021. Chị Hằng chia sẻ: "Ngoài việc giữ lửa, giữ hạnh phúc trong gia đình, tôi nhận thấy người phụ nữ hiện đại phải tích cực tham gia phát triển kinh tế và các hoạt động xã hội. Từ đó bản thân tôi thấy tự tin hơn, cuộc sống vui, khỏe, có ích".

Phát triển nghề truyền thống của địa phương - Ảnh 4.

Chị Hằng (bìa phải) tích cực tham gia các hoạt động của Hội LHPN

Trong những năm qua, phong trào thi đua "phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" của xã Hoằng Thịnh đạt nhiều kết quả, xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ giỏi, góp phần nâng cao mức sống cho gia đình, phát triển kinh tế địa phương.  Có thể nói, chị Lê Thị Hằng là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng trong xã, góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm