pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phẫu thuật 2 trong 1 cứu sống nữ bệnh nhân 72 tuổi bị nhiễm trùng đường mật
Bệnh nhân là bà N.T.H (72 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) nhập viện Bệnh viện Gia An 115 trong tình trạng đau vùng thượng vị hạ sườn phải, thỉnh thoảng đau quặn từng cơn, sốt rét run. Bệnh nhân bị đau bụng từ 2 ngày trước, đi khám ở phòng khám tư và được cho thuốc uống nhưng tình trạng không cải thiện. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị tăng huyết áp và Parkinson.
Kết quả chụp CT và siêu âm bụng cho thấy, bệnh nhân có sỏi ống mật chủ, đường kính 13mm và sỏi kẹt cơ Oddi, kích thước 7-8mm. Bệnh nhân còn bị nhiễm trùng đường mật, bạch cầu tăng cao 20.000/ml, bilirubin tăng gấp hơn 3,5 lần bình thường. Nếu không điều trị kịp thời thì rất dễ dẫn đến sốc nhiễm trùng đường mật, khi đó tỷ lệ tử vong của bệnh nhân sẽ trên 60%.
ThS.BS Nguyễn Thế Toàn, Phó Trưởng khoa Ngoại - Bệnh viện Gia An 115 quyết định thực hiện kết hợp phẫu thuật nội soi cắt túi mật và nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) lấy sỏi ống mật chủ cho bệnh nhân.
Ca mổ 2 trong 1 đã diễn ra thành công chỉ sau 1 giờ. Một ngày sau mổ, bệnh nhân hầu như không còn đau, kết quả các xét nghiệm ổn định. Bệnh nhân được xuất viện chỉ 2 ngày sau phẫu thuật.
Bác sĩ Toàn cho biết, trước đây mổ cắt túi mật và mổ lấy sỏi ống mật chủ thường được tiến hành riêng rẽ hoặc phải mổ mở. Đối với mổ mở, bác sĩ sẽ rạch một đường 15-20cm trên thành bụng người bệnh, tiến hành cắt túi mật rồi mở ống mật chủ ngang hông, lấy sỏi, sau đó đặt vào ống mật chủ một ống dẫn (catheter) để dẫn mật ra ngoài thành bụng. Bệnh nhân sẽ phải nằm viện tối thiểu 5-7 ngày, ống dẫn chỉ được rút ra sau ít nhất 11-14 ngày. Như vậy, bệnh nhân sẽ đau nhiều, có thể ảnh hưởng đến hô hấp và phải trải qua một cuộc mổ lớn.
Hơn nữa, sỏi đường mật tái phát là điều khó tránh sau vài năm, thậm chí vài tháng; lần mổ sau sẽ càng khó hơn lần mổ trước vì cấu trúc giải phẫu của bệnh nhân đã bị thay đổi, dễ viêm dính do vết sẹo mổ cũ. Mổ mở chỉ thực hiện được tối đa 3-5 lần, sau đó dù sỏi mật tái phát thì cũng không thể mổ nữa.
Nội soi ổ bụng cắt túi mật và mở ống mật chủ lấy sỏi thì đỡ dính hơn, đỡ tàn phá cơ thể và cấu trúc giải phẫu hơn so với mổ mở nhưng về cơ bản vẫn là mở ống mật chủ ngang hông và phải đặt ống catheter tương tự mổ mở. Mở ống mật chủ ngang hông sẽ dẫn đến sẹo hẹp, chính sẹo hẹp sẽ gây tái phát sỏi.
So với hai phương pháp trên, nội soi cắt túi mật và nội soi mật tụy ngược dòng lấy sỏi mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân hơn cả. Khi mổ ở vùng cơ vòng Oddi kích thước khoảng 0,6-1cm, tất cả sỏi sẽ được lôi xuống đưa vào trong lòng ruột, như vậy hợp sinh lý bình thường của đường mật và tá tràng.
"Sau này, nếu bệnh nhân có tái phát sỏi ở đường mật chính hay ở trong gan thì thực hiện lại kỹ thuật ERCP hoàn toàn bình thường, không ảnh hưởng đến cấu trúc giải phẫu học của bệnh nhân. Nếu thực hiện kỹ thuật này thành công, thời gian nằm viện của bệnh nhân chỉ khoảng 2-3 ngày", bác sĩ Toàn cho hay.
Được biết, với gần 20 năm kinh nghiệm, đến nay, bác sĩ Toàn đã thực hiện kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng cho hơn 10.000 trường hợp. Trong đó, có hàng trăm bệnh nhân trên 80 tuổi và khoảng 20 bệnh nhân trên 90 tuổi có các bệnh lý nội khoa kèm theo.