pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phẫu thuật cứu cụ bà người Campuchia bị phình động mạch phổi hiếm gặp

Ê-kíp bác sĩ phẫu thuật cho người bệnh
Theo đó, bệnh nhân là bà K.L. (74 tuổi, quốc tịch Campuchia) được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (TPHCM) sau thời gian điều trị tại bệnh viện địa phương nhưng không tiến triển với chẩn đoán ban đầu ung thư phổi, khối u ác tính xâm lấn vào phế quản và phổi.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau âm ỉ vùng ngực trái, cảm giác châm chích, khô họng, khó thở khi ngồi, dễ thở khi nằm, không nôn ói, không sốt. Sau khi khai thác thông tin bệnh sử, các bác sĩ đã thăm khám và cho chỉ định thực hiện chụp cắt lớp vi tính (CT), X-Quang, siêu âm và các xét nghiệm cận lâm sàng.
Với chẩn đoán trước đó tại bệnh viện địa phương về tình trạng ung thư phổi, nữ bệnh nhân sau đó được PGS.TS.BS Vũ Hữu Vĩnh - Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực của Bệnh viện - một trong những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Ngoại Lồng ngực thăm khám và chẩn đoán chuyên sâu.
Bác sĩ xác định người bệnh có khối phình động mạch phổi trái, với đường kính lên đến 15cm, kéo dài từ gốc động mạch phổi trái đến cả hai thùy trên và dưới của phổi trái. Khối phình động mạch phổi không chỉ gây ra tình trạng tràn máu và mủ vào khoang màng phổi trái, mà còn làm tổn thương nghiêm trọng các cấu trúc quan trọng như phế quản và vách trung thất.
PGS.TS.BS Vũ Hữu Vĩnh cho biết, đây là một ca bệnh rất hiếm gặp, dễ bị chẩn đoán nhầm với u phổi và quá trình phẫu thuật điều trị vô cùng phức tạp, nhưng nếu không được can thiệp phẫu thuật, người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong.
Trước tình trạng nguy kịch của người bệnh, một cuộc hội chẩn toàn viện được tiến hành quyết định phương pháp điều trị, đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng trước, trong và sau khi phẫu thuật để tránh nguy cơ chảy máu hoặc nguy kịch hơn có thể dẫn đến tử vong.
Trước khi bước vào ca đại phẫu này, ê-kíp bác sĩ đã tiến hành đặt catheter động mạch và catheter tĩnh mạch trung tâm nhiều nòng cho người bệnh. Đây là bước chuẩn bị quan trọng, giúp đảm bảo an toàn tối đa trong suốt quá trình can thiệp.
Sau khi mở lồng ngực, ê-kíp nhận thấy phổi trái của người bệnh dính vào thành ngực, bên trong chứa dịch vàng đục kèm giả mạc, gây cản trở việc bóc tách, xác định các cấu trúc xung quanh. Đặc biệt, khối tổn thương lớn với kích thước 15x15cm ở thùy dưới phổi không chỉ bám chặt vào thùy trên mà còn đập theo nhịp mạch, buộc các bác sĩ phải thực hiện bóc tách một cách tỉ mỉ và chính xác.

Bac sĩ thăm khám cho người bệnh sau phẫu thuật
Quá trình càng trở nên căng thẳng hơn khi các bác sĩ đã phải đối mặt với tình trạng động mạch phổi bị phình to, bờ nham nhở và dính chặt vào các mô xung quanh, có thể vỡ ra và chảy máu ồ ạt bất cứ lúc nào dẫn đến nguy cơ tử vong của người bệnh. Đáng chú ý, phế quản thùy lưỡi và thùy trên - những đường dẫn khí quan trọng thuộc thùy trên của phổi trái bị tổn thương nặng. Các cấu trúc trở nên mềm và mủn, mất đi độ vững chắc, gây nguy cơ xẹp phổi, rối loạn thông khí. Với những yếu tố này, việc kiểm soát nhiễm trùng và đảm bảo an toàn cho người bệnh là một thử thách không nhỏ.
Ê-kíp phẫu thuật đã nỗ lực kiểm soát tình trạng khoang màng phổi trái bị lấp đầy máu và mủ do khối phình động mạch xuất huyết, gây hoại tử gần như toàn bộ phổi trái. Đồng thời, làm sạch giả mạc, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng lan rộng. Khối phình động mạch phổi phức tạp sau đó đã được bóc tách, ê-kíp đồng thời kiểm soát chặt chẽ tình hình để đảm bảo ca mổ diễn ra an toàn.
Sau cùng, phổi trái được cắt bỏ toàn bộ, khoang màng phổi được bơm rửa kỹ lưỡng để giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm trùng hậu phẫu. Bên cạnh đó, ê-kíp cũng thận trọng trong việc điều chỉnh vách trung thất, nhằm ngăn chặn sự dịch chuyển đột ngột - một biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hô hấp và tuần hoàn của người bệnh sau phẫu thuật.
Hiện tại sau hậu phẫu ngày thứ 3, bệnh nhân đã ổn định và tiếp tục hồi phục dưới sự theo dõi sát sao của các bác sĩ.
Bác sĩ khuyến cáo, ngay khi cơ thể có những triệu chứng như đau ngực, khó thở hay những bất thường khác, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, ngăn chặn những rủi ro nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.