Phẫu thuật kéo chân: 40 triệu 1 ca lên đời tầm vóc

04/04/2017 - 11:30
Vì chiều cao hạn chế nên nhiều chị em muốn thực hiện phẫu thuật kéo dài chân. Tuy nhiên, hành trình "lên đời" tầm vóc khá gian nan và nếu kéo dài chân quá, dễ giống như đi cà kheo.
PGS.TS Lê Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Chấn thương, Chỉnh hình (BV TƯ Quân đội 108) cho biết, để phẫu thuật kéo dài chân, bệnh nhân cần thực hiện theo một quy trình gồm 3 bước. Đó là chuẩn bị trước mổ; mổ cắt xương, đặt đinh-khung và kéo dài dần dần sau mổ.
 
Cụ thể, trước khi quyết định mổ, bệnh nhân sẽ được bác sĩ thăm khám lâm sàng để tìm hiểu kỹ về tiền sử bệnh, bao gồm sinh sản, sự phát triển về thể chất tầm vóc trong thời kỳ thiếu niên, thời điểm dậy thì, tình trạng ốm đau lúc nhỏ, bệnh di truyền.
 
Sau đó, bệnh nhân được làm các xét nghiệm cận lâm sàng và chuyên sâu để loại trừ các bệnh lý của xương, bệnh lý toàn thân khác có chống chỉ định kéo dài chân. Khi mổ, bác sĩ sẽ rạch da dài khoảng 1,5-2 cm dọc mặt trước gân bánh chè, sau đó dùng dùi 1 lỗ vào ống tủy và khoan ống tủy, rồi đóng một đinh có chiều dài ngắn hơn chiều dài xương chày khoảng 4cm đến 6cm vào ống tủy xương chày.
Tiếp đến, bác sĩ sẽ rạch da dài 1cm ở mặt trong đầu trên cẳng chân để lắp dụng cụ định vị bắt 2 vít chốt ở đầu trung tâm.
keodaichan10_exog.jpg
 Phim chụp của bệnh nhân khi thực hiện phẫu thuật kéo dài chân
 Bước 2 là lắp đặt khung cố định vào cẳng chân. Tiếp đến, bác sĩ sẽ tiến hành cắt xương và xương chày. Sau mổ, bệnh nhân được tiêm thuốc, gác chân cao trong 5 ngày. Sau từ 3 đến 5 ngày, bệnh nhân được tập vận động thụ động nhẹ nhàng khớp gối và khớp cổ chân, đeo giá kéo bàn chân khi nghỉ ngơi và khi ngủ để chống biến chứng co ngắn gót.
 
Cũng theo TS Đoàn, sau từ 7 đến 10 ngày, bác sĩ tiến hành căng giãn khung và hướng dẫn cho bệnh nhân tự vận hành khung để căng giãn ổ cắt xương với tốc độ 1mm/ngày, chia đều cho 3 lần. Sau căng giãn 5 ngày, nếu ổ cắt xương đã được căng giãn tốt, người kéo dài chân được ra viện, điều trị ngoại trú và thực hiện tự căng giãn theo hướng dẫn. Định kỳ hằng tháng, bệnh nhân được khám lâm sàng và đánh giá diễn biến liền xương bằng chụp X-quang.

Khi căng giãn đủ chiều dài, bệnh nhân được nhập viện và được bắt 2 vít chốt ngoại vi của đinh nội tủy và tháo bỏ khung cố định ngoài.
images.jpg
Hình ảnh xương sau khi thực hiện phẫu thuật kéo dài chân
TS Đoàn cho biết, về nguyên lý thì xương kéo dài thoải mái, bao nhiêu cũng được và chuyện kéo dài chân cũng không có gì quá to tát. Tuy nhiên, xương kéo dài bao nhiêu còn tùy thuộc vào chỉ số của bệnh nhân. Ví dụ một người chỉ cao 1m40 mà đòi hỏi kéo dài 15 cm, thì sẽ mất cân đối, lưng và tay ngắn, chân quá dài sẽ như đi cà kheo.
“Trước khi thực hiện, các bác sĩ sẽ khám và tư vấn cụ thể cho bệnh nhân. Từ đó, đưa ra lời khuyên phù hợp với bệnh nhân”, TS Đoàn nói.
keo-dai-chan1.jpg
 Ảnh minh họa.
Tại BV TƯ Quân đội 108, hiện chi phí mỗi ca phẫu thuật dao động ở mức 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Số tiền trên đã bao gồm chi phí phẫu thuật, dụng cụ kéo dài chân và thuốc men.
Mặc dù kéo dài chân là một dạng phẫu thuật chỉnh hình nhưng không phải không có biến chứng, thậm chí ảnh hưởng suốt đời.
(còn nữa)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm