Phẫu thuật kéo chân: Ước ao của nàng nấm lùn

04/04/2017 - 06:30
Ngày càng có nhiều người mong muốn được phẫu thuật kéo dài chân để cải thiện chiều cao. Riêng tại BV Trung ương Quân đội 108, trong số 100 người đến phẫu thuật nhằm kéo dài chân, phụ nữ chiếm hơn 60%.
Nguyễn Thị Hà (21 tuổi) hiện là sinh viên năm thứ 3 Đại học Ngoại Thương. Hà học rất giỏi, lại hòa đồng nên được không ít bạn trai trong và ngoài lớp để ý.

Tuy nhiên, điều Hà cảm thấy không tự tin nhất là chiều cao của mình. Hà chỉ cao 1m47 nên dù đã đi thêm giày cao 7cm, cô vẫn không thấy tự tin.

“Mấy bạn trong lớp thường không gọi em bằng tên thật mà đặt biệt danh “Nấm lùn”. Dù biết mọi người không ác ý nhưng em chẳng thích cái tên ấy chút nào”, Hà chia sẻ.
keodaichan9_kual.jpg
Một ca phẫu thuật kéo dài chân
Cũng vì tự ti về chiều cao, Hà ít khi dám đi giày bệt. Quần áo cũng vậy, mỗi khi ra đường, cô phải cân nhắc thật kỹ, xem mặc bộ nào khiến người nhìn cảm thấy mình cao hơn.
Hà bảo: Đã là sinh viên đại học rồi mà đi đâu cũng “được” gắn là học sinh cấp 2... Hẹn hò với người cao 1,76m thì được mệnh danh là cặp đôi có chiều cao chênh lệch đáng yêu nhất. Mua quần áo đẹp mà dài một tí là không mặc được. Nếu cao thêm vài phân thì sẽ tốt biết mấy.
 
Mặc cảm với chiểu cao của mình, Hà luôn nung nấu ý định đi phẫu thuật để kéo dài chân. Vì vậy, Hà đã tìm hiểu trên mạng và nhiều thông tin từ những trường hợp từng thực hiện phẫu thuật này.

“Em đã tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau nhưng vẫn chưa dám thực hiện. Bởi chưa biết khi thực hiện phẫu thuật kéo dài chân có an toàn hay không, ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào. Vì vậy, em vẫn đang tiếp tục tìm hiểu, chừng nào ổn thì sẽ đi kéo dài chân”, Hà nói.

Cũng như Hà, chị Nguyễn Thị Lam (28 tuổi, ở Hà Nội) chỉ cao 1,45m. Bạn trai Lam cao 1,78m nên cô chỉ đứng đến vai. Nhiều khi, hai người có những cử chỉ “âm yếm”, Lam phải rướn cao hết cỡ, còn bạn trai lại phải khom lưng. Lúc ấy, cô chỉ ước mình cao thêm chút xíu.
Nhiều hôm, hai người đi cùng, bạn trai còn trêu đùa “em phải đi giày 15cm thì đi bên anh mới hợp”. Đặc biệt, khi hai người sánh bước bên nhau, nhiều người bảo “đũa lệch”. “Những lúc ấy, tôi cảm thấy tổn thương ghê gớm. Về nhà, tôi thường thu mình, ngại giao tiếp với bạn bè”, Lam chia sẻ.

Với ước muốn được cao thêm vài cm, Lam đã tới một số BV có thể thực hiện phẫu thuật để tìm hiểu. Tuy nhiên, khi Lam bày tỏ ý định, bố mẹ cô nhất mực phản đối bởi sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Theo PGS.TS Lê Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Chấn thương-Chỉnh hình (BV TƯ Quân đội 108), kỹ thuật kéo dài chân nhằm mục đích điều trị các bệnh lý chân ngắn chân, do di chứng thương tật từ chiến tranh, lao động, những trường hợp bị viêm xương hoặc do phải cắt u xương dẫn đến chân cao chân thấp… 

Ngày nay, nhu cầu phẫu thuật kéo dài chân với mục đích thẩm mỹ ngày càng cao. Tại BV TƯ Quân đội 108, đến nay BV đã thực hiện kéo dài cho hơn 400 trường hợp, trong đó gần 100 trường hợp kéo dài chân với mục đích tăng chiều cao. Trong đó, trong đó nữ chiếm khoảng 60%. Ngoài ra, mỗi tuần BV cũng tiếp nhận từ 7 đến 10 trường hợp đến nhờ tư vấn thực hiện phẫu thuật kéo dài chân và hàng trăm cuộc điện thoại khắp nơi gọi về xin tư vấn.
(còn nữa)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm