Tai biến thẩm mỹ xảy ra liên tiếp
Ngày 17/9, chị T.T.Đ (SN 1979, ngụ Q.Thủ Đức, TPHCM) tìm đến phẫu thuật chỉnh hình xương hai hàm tại Bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ Emcas (số 14/27 Hoàng Khương Dư, Q.10, TPHCM). Cuộc phẫu thuật do bác sĩ Trần Ngọc Quảng Phi đảm trách, kết thúc vào lúc 12 giờ cùng ngày, người bệnh ổn định, được rút nội khí quản chuyển phòng hồi tỉnh.
Tuy nhiên, sau 20 phút theo dõi, chị Đ. được phát hiện bị chảy máu trong khoang miệng. Bác sĩ tiến hành xử lý cầm máu tại giường bằng khâu niêm mạc, đặt nẹp vít và tiếp tục theo dõi. 30 phút sau thì bệnh nhân đột ngột suy hô hấp, diễn tiến xấu, được xử lý và chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 vào lúc 14 giờ 30 phút cùng ngày.
Đến ngày 22/9, sau 5 ngày điều trị tại bệnh viện Nhân dân 115, theo báo cáo, bệnh nhân Đ. đã tự thở oxy qua ống mở khí quản, sinh hiệu ổn định, hé mở mắt, tự co tay chân… Theo yêu cầu của người nhà bệnh nhân, chị Đ. đã được chuyển qua Singapore để tiếp tục điều trị. Được biết, hiện bệnh nhân tiến triển chậm.
Vụ tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ xảy ra đối với bệnh nhân T.T.Đ chỉ là một trong số những trường hợp xảy ra trên địa bàn TPHCM diễn ra gần đây, được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Trước đó, vào tháng 4/2017, bệnh nhân S.B.T (22 tuổi, tạm trú huyện Hóc Môn, TPHCM) được một bác sĩ ở Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM đưa đến Bệnh viện Vạn Hạnh để phẫu thuật nâng ngực.
Sau đó, bệnh nhân bị biến chứng, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Hóc Môn trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn hậu phẫu và chuyển tiếp đến Bệnh viện Nhân dân 115 ngày 24/4. Bệnh nhân suy hô hấp, tụt huyết áp, sau đó sảy thai ở tuần thứ 16-17, suy đa tạng, rơi vào hôn mê, gia đình xin về ngày 4/5 và tử vong.
Hội đồng chuyên môn cũng đã có kết luận vụ việc, trong đó xác định nguyên nhân thai phụ S.B.T tử vong sau nâng ngực hồi tháng 4 là do đợt bùng phát cấp tính của bệnh lupus ban đỏ hệ thống tiềm ẩn. Yếu tố góp phần thúc đẩy đợt bùng phát cấp tính là người bệnh có thai, phẫu thuật và sử dụng kháng sinh.
Vào tháng 7/2017, ông Edward Hartley (53 tuổi, quốc tịch Mỹ) tới Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Việt Thành (số 565 đường Sư Vạn Hạnh, P.13, Q.10, TPHCM) để cắt da dư vùng hông lưng sau khi sụt cân. Sau khi tiêm thuốc tê khoảng 10-15 phút, ông Edward Hartley có dấu hiệu trụy mạch. Phòng khám đã mời bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương đến hồi sức, nhưng bệnh nhân đã tử vong sau đó.
Sở Y tế TPHCM: tăng cường kiểm tra, đào tạo
Liên quan đến vụ tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ xảy ra tại Bệnh viện phậu thuật thẩm mỹ Emcas, thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho thấy, Bệnh viện phậu thuật thẩm mỹ Emcas đã được Bộ Y tế cấp phép hoạt động từ ngày 28/02/2013 và được phê duyệt danh mục kỹ thuật chuyên môn, trong đó có kỹ thuật “chỉnh hình xương hai hàm”.
Trong khi đó, phẫu thuật viên là bác sĩ Trần Ngọc Quảng Phi được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa răng hàm mặt, có bằng tốt nghiệp bác sĩ nội trú và bằng tiến sĩ chuyên ngành phẫu thuật hàm mặt.
Thực tế cho thấy, các trường hợp tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn TPHCM xảy ra trong thời gian gần đây không chỉ diễn ra ở các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ “chui” mà con có các cơ sở khá uy tín, được cấp phép và bác sĩ có bằng cấp, tay nghề. Điều này, thực sự khiến cho nhiều người cảm thấy thực sự lo ngại.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM - cho biết, trong thời gian qua, Sở y tế và các quận/huyện trên địa bàn đang rà soát rất kỹ các cơ sở y tế trên địa bàn. Sau những sự cố xảy ra tại các bệnh viện được cấp phép thì phía Sở Y tế và các bệnh viện sẽ phải xem lại quy trình, tại sao lại để cho những sự cố xảy ra.
Cũng theo Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, từ lâu, Sở Y tế cũng đã hỗ trợ các bệnh viện, nhất là đối với khối bệnh viện chuyên khoa, có các khuyến cáo như đề phòng các tai biến xảy ra khi phẫu thuật thẩm mỹ, an toàn cho người bệnh tại các bệnh viện có chuyên khoa sâu, sử dụng sử dụng kháng sinh… dựa vào các thông tư, quy định của Bộ Y tế .
“Trong thời gian tới, ngoài việc đi kiểm tra định kỳ thì Sở Y tế TPHCM cũng sẽ tăng cường đào tạo để nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ y bác sĩ”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng - trước đây, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ là để phục vụ cho những người có khiếm khuyết trên cơ thể như sứt môi hở hàm ếch, khuyết tật do tai nạn, bệnh nhân ung thư vú…. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, khi đời sống đi lên, người dân khá giả hơn thì nhu cầu làm đẹp, nhất là của chị em phụ nữ ngày càng lớn.
Để làm đẹp thì người phu nữ nên sử dụng các biện pháp thiên nhiên, ít tác động trước. Vẻ đẹp của người phụ nữ không chỉ có vẻ ngoài mà đó còn là những hành động đẹp,lời nói, cái tâm, các nghĩa cử đẹp.
Trong trường hợp phải nhờ đến bàn tay phẫu thuật của bác sĩ thì cần xác định được rằng việc phẫu thuật xâm lấn đến cơ thể đều có những rủi ro nhất định, có “giá” của nó. Vì thế, khi quyết định phẫu thuật thì nên cân nhắc. Đặc biệt, cần tránh lạm dụng việc phẫu thuật, “nghiện” làm đẹp. Những tác động, rủi ro do dao kéo dù không ai muốn cả nhưng sẽ xảy ra.