Liên quan đến vụ tai biến chạy thận làm 9 người chết xảy ra tại BV Đa khoa Hòa Bình, ngày 22/12, Tòa án Nhân dân TP. Hòa Bình cho biết, sẽ xét xử công khai vụ án “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” vào ngày 8/1/2019.
Theo đó, ngoài 3 bị cáo bị đưa ra xét xử trong phiên tòa sơ thẩm trước đó gồm Bùi Mạnh Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh; Hoàng Công Lương, Bác sĩ khoa Hồi sức tích cực (BVĐK Hòa Bình); Trần Văn Sơn, cán bộ phòng Vật tư- Thiết bị y tế, (BV Đa khoa Hòa Bình) còn có thêm 4 bị cáo là Trần Văn Thắng, nguyên Trưởng phòng Vật tư – Thiết bị y tế; Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc BV Đa khoa Hòa Bình; Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BV Đa khoa Hòa Bình và Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn.
Như PNVN đã thông tin, ngày 29/5/2017, tại BV Đa khoa Hòa Bình đã xảy ra sự cố chạy thận nghiêm trọng làm 9 người chết. Cơ quan CSĐT điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vô ý làm chết người.
Ngày 15/5/2018, Tòa án Nhân dân TP. Hòa Bình đã phiên tòa xét xử sơ thẩm. Các bị cáo gồm bác sĩ Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn bị xử về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Bùi Mạnh Quốc bị xử về về tội “Vô ý làm chết người”.
Sau 12 ngày xét xử, HĐXX đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT đã khởi tố thêm Trần Văn Thắng, Hoàng Đình Khiếu về tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đến ngày 24/8, Cơ quan CSĐT đã thay đổi tội danh bị can đối với Hoàng Công Lương từ tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” thành tội “Vô ý làm chết người”.
Ngày 13/9, CSĐT đã ra kết luận điều tra bổ sung lần 2 và đề nghị khởi tố ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BV Đa khoa Hòa Bình về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Đến ngày 25/11, Cơ quan CSĐT ra kết luận điều tra bổ sung lần 3, trong đó đề nghị khởi tố ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tuy nhiên, cáo trạng lần 2 lại thay đổi tội danh với bị can Hoàng Công Lương, từ “Tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” thành Tội "Vô ý làm chết người”.
Về trách nhiệm dân sự, Theo kết luận Cáo trạng số 01/CT-VKS-P2 thì trong số 7 bị can được áp dụng tình tiết giảm nhẹ thì có 3 bị can đã tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả do các gia đình nạn nhân, đó là bị can Bùi Mạnh Quốc, bị can Đỗ Anh Tuấn và bị can Trần Văn Sơn.
Cụ thể, đối với bị can Bùi Mạnh Quốc, ngay sau khi sự cố xảy ra, gia đình bị can Bùi Mạnh Quốc đã tự nguyện hỗ trợ gia đình 8 nạn nhân tử vong số tiền 10 triệu đồng/người. Gia đình Bùi Mạnh Quốc cũng đã bồi thường cho 7 gia đình nạn nhân tử vong số tiền 5 triệu đồng/người; bồi thường cho 2 gia đình nạn nhân có con dưới 18 tuổi số tiền 7,5 triệu đồng/người. Tổng cộng đã bồi thường 130 triệu đồng.
Đối với bị can Trần Văn Sơn, sau khi sự cố xảy ra, gia đình bị can Trần Văn Sơn đã tự nguyện hỗ trợ gia đình 8 nạn nhân tử vong số tiền 10 triệu đồng/người; bồi thường cho 7 gia đình nạn nhân tử vong số tiền 3 triệu đồng/người; bồi thường cho 2 gia đình nạn nhân tử vong có con dưới 18 tuổi 4,5 triệu đồng/người.
Đối với bị can Đỗ Anh Tuấn, sau khi xảy ra sự cố, sau khi xảy ra sự cố, công ty đã chuyển số tiền 370 triệu đồng cho BV Đa khoa Hòa Bình để hỗ trợ cho 08 gia đình nạn nhân tử vong số tiền 36 triệu đồng/người; hỗ trợ 9 nạn nhân bị thiệt hại về sức khỏe là 5 triệu đồng/người.
Về việc khắc phục hậu quả, tính đến nay, BVĐK tỉnh Hòa Bình cũng đã hỗ trợ số tiền cho 8 nạn nhân tử vong là 20 triệu đồng/người và 2 triệu đồng/người đối với 10 bệnh nhân còn lại. Tổng cộng đã hỗ trợ số tiền là 180 triệu đồng.
BVĐK tỉnh Hòa bình cũng đã bồi thường cho 7 gia đình có nạn nhân tử vong số tiền 20 triệu đồng/người; bồi thường cho 2 gia đình có con dưới 18 tuổi số tiền 30 triệu đồng/người; bồi thường 9 nạn nhân thiệt hại về sức khỏe là 10 triệu đồng/người. Tổng số tiền bồi thường là 290 triệu đồng.