Phim “Chiếc cặp”: Khao khát được kết nối của những kẻ cô độc

Thanh Anh
18/02/2023 - 14:26
Bộ phim đã nắm bắt những rung động nhỏ bé của hai con người cô đơn giữa dòng thành phố, từ đó khắc họa nên những nhân vật cô độc với khao khát được kết nối, yêu thương và thấu hiểu.

Bộ phim "Chiếc cặp" (tựa gốc: Teacher’s suitcase) của đạo diễn người Nhật Teruhiko Kuze sản xuất năm 2003 được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nữ nhà văn đương đại nổi tiếng Nhật Bản Kawakamni. Bộ phim đã nắm bắt những rung động nhỏ bé của hai con người cô đơn giữa dòng thành phố, từ đó khắc họa nên những nhân vật cô độc với khao khát được kết nối, yêu thương và thấu hiểu.

Trong một khoảnh khắc, thầy giáo Harustuna Matsumoto và người họ trò cũ Tsukiko tình cờ gặp lại nhau. Hai người đều đang ngồi một mình, suy tư và cô liêu. Thế rồi bắt đầu từ những câu chuyện ôn lại quá khứ, họ đã cùng uống rượu, cùng chuyện trò với nhau. Họ trở nên thân thiết, tự nhiên khi ở bên nhau và dần trở nên quý mến nhau. Dẫu cho mỗi người vẫn theo đuổi những khoảng riêng trong đời sống nhưng mỗi đêm khi ngồi uống sake nóng bên nhau, họ lại thấy ưu phiền đều tan đi như những cánh hoa anh đào trôi trong gió.

Những khung hình của bộ phim thấm đẫm chất thơ, phảng phất nét u buồn vẫn thường thấy trong văn hóa xứ sở Phù Tang, với cảm thức aware (nỗi buồn), tiếc thương trước khung cảnh chóng tàn của cái đẹp.

Khao khát được kết nối của những kẻ cô độc - Ảnh 1.

Một cảnh trong phim “Chiếc cặp”

Trong không khí của mùa xuân, khi hoa đào nở, Harustuna Matsumoto và Tsukiko chậm rãi đi bộ bên nhau, đôi khi trao đổi vài câu chuyện, đôi khi lặng lẽ. Nhưng họ vẫn đi song đôi với nhau, cảm giác êm dịu xua đi nỗi cô liêu của hai người. Harutsuna là một người thầy giáo của thế hệ trước, ông có thói quen lưu giữ những đồ vật, chất đầy trong nhà. 

Mỗi món đồ đều là một dữ liệu của ký ức, lưu lại cuộc đời ông. Ông thường nhốt mình trong đó, ngẫm nghĩ, suy tư, thỉnh thoảng đọc thơ Haiku. Từ khi gặp gỡ và có Tsukiko ở bên, ông đã bước ra thế giới cô độc của mình, để có thể chia sẻ nỗi lòng với người khác.

Chiếc cặp trong bộ phim là món đồ gắn liền với hình ảnh của Harutsuna. Ông luôn mang chiếc cặp ấy mọi lúc mọi nơi ngay cả khi đi leo núi. Cho đến khi ông ra đi, chiếc cặp là thứ duy nhất Harutsuna để lại cho Tsukiko. Chiếc cặp đóng kín, bên trong trống rỗng nhưng lại chất chứa cả đời người trong ấy. Con người khi chết, dáng hình chẳng còn hiện hữu trong cõi đời, chỉ còn những kỷ niệm, vương vấn trong tim người còn sống. Giữa đô thành hiện đại này, trong những đêm cô đơn, Tsukiko thường ngắm nhìn chiếc cặp, như dõi theo, tìm kiếm hình ảnh người bạn tâm hồn thân thiết của cô.

Chiếc cặp xuất hiện xuyên suốt từ đầu đến cuối phim như một hình ảnh biểu tượng cho những căn phòng đóng kín trong các tòa nhà hiện đại của thành phố Tokyo. Không chỉ có Harutsuna, Tsukiko mà rất nhiều người trưởng thành đang ngày ngày đối diện với nỗi cô đơn, thất lạc nơi này.

Bài thơ yêu thích của Harutsuna được viết bởi Seihaku Irako mà ông thường ngâm ngợi trong nhiều phân đoạn của cuốn sách cũng tạo nên bầu không khí não nùng nhưng đẹp đẽ của thành phố và đời người.

"Trong nỗi cô đơn tôi trôi dạt lẻ loi trên đường dài

Áo choàng tả tơi không ngăn gió lạnh

Và đêm nay bầu trời sáng tỏ

Càng khiến nỗi lòng đau

bội phần hơn"

Bầu trời đêm trăng cùng nỗi đau bội phần ấy, cứ mênh mang trôi dạt ra khỏi giới hạn của những trang sách, thấm đẫm tâm hồn người đọc, tưởng như mình đang lạc bước nơi ấy, nhìn ngắm hai người dạo bước trong đêm, dành cho nhau những rung động thầm lặng, đặc biệt.

Một bộ phim đẹp và buồn, có khả năng quyến rũ và ám ảnh bất kỳ ai bước vào. Tokyo thật cô đơn, thật tĩnh lặng và cũng thật nhiều mối duyên kỳ lạ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm