Phim "Kẻ trộm sách": Hành trình sống và yêu thương

Nguyên Thảo
14/03/2022 - 17:47
Phim "Kẻ trộm sách": Hành trình sống và yêu thương

Cảnh trong phim

Xem phim mới thấy trong chế độ tàn ác, sự tử tế và nhân đạo không có chỗ tồn tại.

Câu chuyện phim "Kẻ trộm sách" (tựa gốc: The Book Thief) có bối cảnh tại nước Đức, trước khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, được bắt đầu bằng không khí ảm đạm của một đám tang: cái chết của đứa trẻ còn được bế bồng trên tay mẹ - em trai cô bé Liesel Meminger, nhân vật chính. Cuốn sách đầu tiên cô trộm là sách hướng dẫn dành cho người đào mộ, trong đám tang em trai. Một chút tò mò, một chút ranh mãnh, cô bé quyết giữ cuốn sách ấy lại cho mình lúc mọi người đang mải làm các thủ tục ma chay không để ý. Lúc ấy cô chưa biết chữ.

Liesel Meminger được một gia đình nhận nuôi, cho đi học. Cô bị hết thảy mọi bè bạn gọi mình là đồ ngốc vì không biết chữ. Cô bé không ngại ngần lao vào cuộc ẩu đả với kẻ sỉ nhục mình. Vượt qua mặc cảm không biết chữ, cô bé đã học những con chữ đầu tiên từ bố nuôi của mình. Đó cũng là thời điểm cô bé ăn trộm cuốn sách tiếp theo, khi tham gia cùng đoàn người đốt sách theo lời hô hào của Đức quốc xã.

Bố là người dạy những con chữ đầu tiên cho Liesel, nhưng Max, một thanh niên Do Thái gặp nạn được bố mẹ nuôi của cô cứu chữa, nuôi nấng chính là người cho cô đôi mắt sáng. Đôi mắt để nhìn vào thế giới tâm hồn. Anh thanh niên tham gia cách mạng và gặp nạn, phải nằm trong tầng hầm nhà cô nhưng tâm hồn luôn rộng mở. Anh luôn nhờ cô bé miêu tả lại hôm nay trời thế nào, những tia nắng, bông tuyết bay ra sao.

Vẻ đẹp tâm hồn của chàng thanh niên ấy trở nên ấn tượng đặc biệt khi hàng nghìn người xuống hầm công cộng trú ẩn lúc có báo động. Khoảnh khắc ấy không làm anh thanh niên đang phải trốn tránh hoảng sợ, anh bước ra khỏi nhà, hai cánh tay dang rộng khát khao ôm cả bầu trời trăng sao vào lòng. Khát khao hướng tới tự do, chiếm giữ cái đẹp ở con người sống có tâm hồn cao hơn cả cái chết.

Mỗi phim về Đức quốc xã đều gây trong tôi cảm giác sợ. Cảm giác xem "Kẻ trộm sách" không nằm ngoại lệ. Đáng sợ thật. Dù bộ phim không có cảnh trại tù, cảnh giết chóc dã man, nhưng cái sợ âm thầm đến từ những mâu thuẫn nội tại người và người càng tê tái hơn. Sợ đến rơi lệ, sợ cảnh người ta đưa sách lên miệng hôn mà vẫn phải ném sách vào đám lửa và hát bài ca tụng Đức quốc xã. Sợ cho cô bé vừa mới biết vài mặt chữ dám nhặt một quyển sách cháy dở giấu vào ngực áo, trốn chạy như thể kẻ tội đồ. Sợ cảnh cô bé nhà nghèo ấy lẻn vào kho sách nhà giàu ăn trộm sách - hàng ngàn cuốn sách của nhà giàu kia lại là sách của người con trai đã mất…

Ngoài Max, Liesel còn có người bạn thân ở trường là cậu bé hàng xóm Rudy, người hay trêu chọc việc cô bé trộm sách, dù thực sự Rudy đã thầm yêu Liesel. Cậu bé tinh nghịch luôn muốn bày trò thi thố để được hôn cô bạn khi mình thắng. Nhưng cậu bé không bao giờ thắng cô bạn cá tính. Nụ hôn ấy chỉ có được khi "linh hồn Rudy trôi tuột vào tay tôi" (lời Thần Chết). Hình ảnh cô bé mới lớn hôn cậu bạn thân trong tiếng gọi tuyệt vọng khiến người xem dường như thấy tim mình thít chặt. Những người bạn và tình yêu sách vừa là cách để Liesel chạy trốn thực tại, vừa là những yếu tố định hình tính cách, số phận của Liesel. Sách giúp cô bé nhận biết được sức mạnh của ngôn từ, nhìn được cả những phần tâm hồn đẹp đẽ những người xung quanh.

Xem phim mới thấy trong chế độ tàn ác, sự tử tế và nhân đạo không có chỗ tồn tại. Bố nuôi của cô bé gan lì là vậy mà khi dám lên tiếng giùm một người bị nghi là Do Thái, để cho tên lính Đức ghi tên mình vào sổ, ông hoảng loạn khóc với vợ. Nỗi sợ vì dám sống tử tế nghe sao đắng chát!

Không ít người đã đọc truyện, rồi lại xem phim và... khóc với "Kẻ trộm sách". Chuyển thể từ sách không làm cho người xem so sánh giữa truyện - phim mà chỉ làm nổi bật thêm thời cuộc u ám và cuộc đời đầy ánh sáng quanh kẻ trộm sách này. Một bộ phim mới nhưng nội dung sâu sắc của nó ngay lập tức định vị "Kẻ trộm sách" vào hàng phim kinh điển khi nó khiến cho người xem trăn trở không nguôi về những vấn đề nhân sinh quan sự sống và cái chết. Đúng là, như những gì Thần Chết trong phim nói: Con người lao đến cái chết. Ông không tước đoạt sự sống của bất kỳ ai. Nhưng rồi ai cũng sẽ chết. Vì thế sống sao cho yêu thương đong đầy, cho tâm hồn mở rộng, như "Kẻ trộm sách" vẫn là nốt lặng duyên dáng đọng lại trong lòng người xem phim.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm