pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phim truyền hình Việt đang thiếu gương mặt mới?
Sau “Hướng dương ngược nắng”, NSND Thu Hà và Hồng Diễm lại vào vai mẹ - con trong phim đang phát sóng "Trạm cứu hộ trái tim"
Khán giả "thèm" gương mặt mới
Với sự thay đổi trong việc sản xuất phim cũng như cách tiếp cận công chúng, những năm gần đây, phim truyền hình Việt trên sóng VTV đã có vị thế khác trong lòng khán giả, không còn chịu sự lấn át của phim ngoại. Nhiều bộ phim tạo nên "cơn sốt" sau khi công chiếu, kéo theo sức hút mạnh mẽ của dàn nghệ sĩ thuộc "vũ trụ VFC".
Bên cạnh những điểm cộng về ngoại hình diễn viên, cảnh quay, cách dàn dựng, phim "giờ vàng" cũng đang đặt ra thách thức trong việc làm mới, khi đa phần các kịch bản gần đây chưa có nhiều đột phá. Một yếu tố khác không thể không nhắc tới là sự nhàm chán, lặp lại của các diễn viên trên sóng truyền hình, với các mô típ nhân vật cũ kỹ và quen thuộc.
Trong giai đoạn 2020 - 2023, Mạnh Trường 5 lần đảm nhận vai chính trong các phim "Tình yêu và tham vọng", "Cảnh sát hình sự: Hồ sơ cá sấu", "Hương vị tình thân", "Đừng nói khi yêu", "Chúng ta của 8 năm sau"… Phương Oanh 4 lần thủ vai nữ chính trong các bộ phim "Cô gái nhà người ta", "Những ngày không quên", "Lựa chọn số phận" và "Hương vị tình thân". Trong khi đó, Quỳnh Kool đóng 5 phim, với 2 vai nữ chính và 3 vai nữ thứ…
Sự đón nhận của khán giả đối với "Chúng ta của 8 năm sau" (2023) cũng là một ví dụ điển hình cho việc người xem "ngán ngẩm" dàn diễn viên cũ, mong chờ những gương mặt mới. Có thể thấy, tại phần 1, các diễn viên trẻ Hoàng Hà, Quốc Anh, Trần Nghĩa, Ngọc Huyền… nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ công chúng khi mang lại cảm giác thanh xuân, trẻ trung.
Trong khi đó, ở phần 2, nhiều khán giả tuyên bố họ bỏ theo dõi phim, dù đóng chính là 2 gương mặt tên tuổi: Mạnh Trường và Phan Minh Huyền.
Trong "Chúng ta của 8 năm sau", Mạnh Trường thủ vai Lâm, một chàng trai si tình, mang sự dằn vặt trong nhiều năm vì đã phản bội người con gái mình yêu. Anh diễn xuất tốt, tuy nhiên, nhân vật của anh không quá mới lạ so với các phim "Đừng nói khi yêu" hay "Hương vị tình thân" trước đó.
Những nét diễn xuất của Mạnh Trường trong mỗi cảnh quay, bởi vậy cũng không thể tạo ra nhiều khác biệt. Thêm nữa, dù giữ được vẻ phong độ, tuổi tác của Mạnh Trường vẫn mang cảm giác chênh lệch, già dặn hơn nhiều so với nhân vật một chàng trai trẻ. Dù đã cố gắng, cặp đôi vẫn khiến khán giả có cảm giác gượng gạo, thiếu tự nhiên trong các phần tương tác.
Không ít khán giả cũng chia sẻ cảm giác chán nản khi Hồng Diễm liên tục vào vai người phụ nữ yếu đuối, dễ bị bắt nạt và không hạnh phúc trong hôn nhân. Năm 2017, trong phim "Cả một đời ân oán", cô đảm nhận vai Dung - một phụ nữ cam chịu, sống như cái bóng trong nhà chồng.
Tiếp đó, vai Khuê trong "Hoa hồng trên ngực trái" (2019) của Hồng Diễm cũng có xuất phát điểm là cô vợ hiền lành yếu đuối, quanh năm chỉ biết việc nhà, bếp núc. Trong "Hướng dương ngược nắng" (2020), Hồng Diễm lại thủ vai một nhân vật nhiều lần rơi nước mắt, đau khổ và chịu đựng. Và hiện nay, cô đang vào vai Ngân Hà trong phim "Trạm cứu hộ trái tim" cũng với motip tương tự.
Diễn viên cần tìm bản sắc cho mình
Chia sẻ về việc các diễn viên xuất hiện dày đặc trên sóng truyền hình, NSND Kim Xuân cho rằng, điều này có thể mang lại hệ lụy cho người nghệ sĩ khi họ bị một màu và nhàm chán với khán giả. Bà cũng cho rằng, việc dừng lại để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm sống, cảm xúc giúp vai diễn sau có chiều sâu hơn, đồng thời có thể tìm kiếm những cơ hội khác tại lĩnh vực điện ảnh.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang nhận định: "Đây là vấn nạn chung của phim truyền hình. Có nhiều diễn viên một lúc đảm nhận tới 5-6 bộ phim dài tập, do đó, việc tập trung cảm xúc, thời gian trong quá trình diễn xuất là khó có thể đạt được.
Khi sản xuất phim truyền hình có yếu tố công nghiệp theo kiểu chạy show thì rõ ràng việc tìm kiếm bản sắc cho diễn viên là rất khó. Đó là lý do vì sao ngày nay, chúng ta thấy cách diễn xuất của các diễn viên trong các bộ phim truyền hình khác nhau, song lại rất giống nhau về biểu cảm, hành động. Đó chính là mặt trái của ngành công nghiệp sản xuất phim truyền hình".
Là một trong số diễn viên tham gia nhiều bộ phim truyền hình "giờ vàng", Doãn Quốc Đam là trường hợp hiếm hoi chưa bị công chúng chán ngán. Anh giỏi biến hóa, biết cách tạo dấu ấn riêng trong từng vai diễn, cũng không ngại làm xấu mình để hóa thân thành nhân vật.
Khi được đặt câu hỏi về việc có lo sợ sẽ bị lặp lại, Doãn Quốc Đam chia sẻ: "Với tôi, chỉ khi diễn viên làm chưa tốt, vai diễn mới bị na ná trong mắt người làm nghề cũng như góc nhìn của khán giả. Khả năng sáng tạo của diễn viên với nhân vật mình đảm nhận là yếu tố then chốt.
Biên kịch và đạo diễn định hình chỉ là một phần, tôi luôn "thêm màu" cho vai diễn của mình những thứ đặc trưng rất riêng để nó không còn đơn sắc nữa".