Chiều 22/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ký văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc phản ánh của báo chí về một số vụ việc gây mất an ninh trật tự xảy ra trong thời gian ra.
Đáng chú ý, trong văn bản này đã đề cập tới vụ nữ sinh bị sàm sỡ, cưỡng hôn trong thang máy chung cư Golden Palm trên đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhưng đối tượng vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính 200.000 đồng.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm tra việc xử lý vụ đối tượng có hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy chung cư. “Trường hợp các quy định pháp luật hiện hành có liên quan chưa đủ nghiêm khắc để răn đe, ngăn chặn các hành vi tương tự, Bộ Công an khẩn trương đề xuất, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp”, văn bản nêu.
Trước đó, như PNVN đã đưa tin, khoảng 22 giờ ngày 4/3, tại khu chung cư Golden Palm, thuộc địa bàn phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội, một nữ sinh đi vào thang máy đã bị một người đàn ông có hành vi quấy rồi, sàm sỡ và dí cổ nạn nhân để cưỡng hôn. Sự việc bị camera an ninh ghi lại. Nữ ính này sau đó đã làm đơn trình báo với công an.
Hình ảnh từ camera trong thang máy tòa nhà cho thấy người đàn ông đã có những hành động như ôm, ghì cô gái trẻ mặc cho nạn nhân không đồng ý. Sự việc diễn ra trong chốc lát, cô gái cố gắng thoát ra khỏi thang máy nhưng người này vẫn cố tình tóm lấy tay giữ lại.
Người đàn ông này là Đỗ Mạnh Hùng đã bị công an triệu tập để làm việc ngay sau đó. Vài ngày sau, công an quận Thanh Xuân đã có quyết định xử phạt hành chính 200 nghìn đồng đối với Đỗ Mạnh Hùng vì hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” quy định điểm a khoản 1 điều 5 Nghị định 167/2013.
Ngay sau khi có quyết định xử phạt này, dư luận và các chuyên gia đã đặt ra nhiều vấn đề lo ngại, bởi mức xử phạt là quá nhẹ, không tương xứng với hành vi mà đối tượng đã gây ra.
Hội LHPN Việt Nam cũng đã quyết liệt lên án hành vi này của Đỗ Mạnh Hùng và kiến nghị cần phải có những điều chỉnh, thay đổi về hình phạt để tăng tính răn đe, bảo vệ hơn nữa quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ.