Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: 'Việt Nam mới chỉ tự chủ đại học một phần'

17/08/2018 - 15:55
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, Việt Nam đã nói đến tự chủ đại học từ khi thành lập ĐH Quốc gia nhưng đến năm 2014, mới có 23 trường tự chủ theo Nghị định 77. Tuy nhiên, giáo dục đại học mới là tự chủ một phần, chưa đúng với thông lệ quốc tế.

Ngày 17/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự và có bài phát biểu tại Hội thảo “Giáo dục đại học - chuẩn hóa và hội nhập” do Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội tổ chức tại Hà Nội.

dam.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
 

Sự tự chủ “một phần” này, theo Phó Thủ tướng xuất phát từ 3 phía: Từ cơ quan quản lý nhà nước; từ chính các trường đại vẫn muốn tiếp tục cơ chế bao cấp; và một phần từ người học và xã hội. “Cả 3 lý do đó cộng hưởng lại nên vô cùng khó khăn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Hai băn khoăn lớn nhất khi thực hiện tự chủ đại học, theo Phó Thủ tướng là cho tự chủ, các trường cứ thế tăng học phí, ảnh hưởng đến quyền lợi của người học có điều kiện khó khăn được học trường chất lượng tốt, hay phần tài sản, đất đai… của trường đại học sẽ bị thao túng…

“Chúng ta cần hiểu cho đúng về tự chủ đại học. Trường đại học có nhiều sứ mệnh, một trong số đó là sáng tạo ra tri thức, nên trường đại học cần tự chủ về chuyên môn, từ đó khơi dậy sáng tạo cho từng thành viên trong nhà trường. Đó là tự chủ căn bản nhất”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Tuy nhiên, để có quyền tự chủ đó, trường đại học phải được tự quản về tổ chức và tự chủ về tài chính. Tự chủ tài chính phải hiểu là tự chủ về nguồn thu và nguồn chi. Thu có nhiều phần: từ học phí, khoa học công nghệ, sản xuất kinh doanh và quan trọng là thu từ tài trợ của doanh nghiệp, cộng đồng; đặc biệt từ ngân sách nhà nước. Hiện các trường đại học chưa được tự chủ chi khoản này, tiền thậm chí không phải của nhà nước nhưng muốn làm cái gì đều phải xin phép.

Về tự chủ tài chính, Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta một mặt có cơ chế học bổng, từ người có khả năng, mong muốn đóng góp nhiều hơn để có chất lượng tốt hơn lập quỹ học bổng cho đối tượng diện chính sách và con nhà nghèo. Mặt khác, tự chủ không có nghĩa là nhà nước không cấp ngân sách nữa mà dùng kinh phí từ ngân sách để đặt hàng đào tạo.

Còn với cơ chế đảm bảo tài sản, theo Phó Thủ tướng, chúng ta có hội đồng trường gắn liền với trách nhiệm giải trình, công khai minh bạch.

“Có nhiều việc chúng ta đã làm, đã chuẩn bị nhưng khi Luật chưa sửa thì có nhiều điều chưa thực hiện được. Hiện hầu như các trường đều mong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được ban hành thật sớm để chính thức hóa việc này", Phó Thủ tướng cho hay.

dai-hoc.jpg
Nhiều trường ĐH mong muốn sớm đươc luật hóa việc tự chủ đại học để nâng cao chất lượng, tăng sự cạnh tranh. Ảnh minh họa 

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia giáo dục nhìn nhận, việc thực hiện chính sách tự chủ tài chính đại học tại Việt Nam vẫn gặp phải rất nhiều hạn chế. Trong đó có việc Chính phủ chưa có định hướng cụ thể cho việc chuyển tiếp từ giai đoạn thí điểm của Nghị quyết 77 sang giai đoạn chính thức thực hiện. Điều này gây khó khăn cho các trường đại học trong việc lập kế hoạch phát triển dài hạn, đầu tư vào cơ sở vật chất và nhân sự.

Chính phủ cũng cần có hướng dẫn cụ thể về quyền tự chủ của trường đại học trong các mức chi tiêu, chẳng hạn như chi cho nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, chi xây dựng chương trình giáo dục, chi xây dựng giáo trình đại học và chi công tác phí…

Một vấn đề nữa cũng được đặt ra tại hội thảo là cần xem lại chính sách tự chủ từ việc thu học phí. Theo đó, thực tế việc thu từ học phí và lệ phí vẫn là nguồn thu chính của trường đại học tự chủ khi chiếm trên 70% tổng thu là rất rủi ro, nguồn thu phụ thuộc nhiều vào tình hình tuyển sinh.

Đây là rủi ro cao đối với chất lượng đào tạo của trường đại học do tuyển sinh phụ thuộc vào nhu cầu xã hội và quy định của nhà nước.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm