pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phòng, chống mua bán người phải là một nội dung căn bản của công tác phòng, chống tội phạm
Tiểu phẩm tuyên truyền về phòng chống mua bán người trình chiếu tại chương trình
Tích cực đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người trên không gian mạng
Phát biểu tại Lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người nhằm hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2022, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP, nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.
Cụ thể, các cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng cần xác định công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, kiên trì, thực hiện mọi nơi, mọi lúc, mọi địa bàn; nhiệm vụ phòng, chống mua bán người phải là một nội dung thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
“Phòng, chống mua bán người phải là một nội dung căn bản của công tác phòng, chống tội phạm và lồng ghép vào trong các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong giải quyết những vấn đề cơ bản về an sinh xã hội, an dân như vấn đề về hỗ trợ việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi,...”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường thời lượng, tần suất thông tin, tuyên truyền về chính sách, pháp luật và phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người... để nâng cao nhận thức cho cộng đồng.
Cùng với đó, mỗi người dân cần tự giác, tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm mua bán người; hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng; nâng cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân trước những phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị các đơn vị cần tập trung triển khai quyết liệt các phương án, kế hoạch đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người, nhất là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm và không gian mạng. Làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố về tội phạm mua bán người; nhanh chóng điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án mua bán người.
Thực hiện hiệu quả các mặt công tác quản lý cư trú; quản lý biên giới, cửa khẩu; quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; quản lý Nhà nước về hoạt động cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài… và ứng dụng, kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm chủ động từ khâu phòng ngừa, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, từ cơ sở để ngăn chặn tội phạm mua bán người.
Chú trọng phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, cần tiếp tục tăng cường, chú trọng phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người, nhất là trong công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Huy động nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các cá nhân cho công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
“Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; sự phối hợp, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, cùng sự tham gia tích cực và ủng hộ của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, bằng sự quyết tâm và đoàn kết, Việt Nam cương quyết đẩy lùi tội phạm mua bán người ra khỏi đời sống - xã hội, xây dựng xã hội “trật tự, kỷ cương” theo đúng tinh thần mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc tin tưởng.
Một số hình ảnh trong tiểu phẩm có nội dung về nạn mua bán người được trình chiếu tại chương trình
Trong khuôn khổ buổi lễ, các đại biểu tham quan triển lãm nghệ thuật tuyên truyền về phòng, chống mua bán người với chủ đề “Đường đến bình yên”; xem phóng sự “Đèn đỏ” phản ánh phương thức thủ đoạn của tội phạm mua bán người qua không gian mạng, những tổn thương, đau khổ của nạn nhân bị mua bán phải trải qua và sự tận tâm, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, thách thức của các chiến sĩ CAND và cán bộ Hội LHPN Việt Nam nỗ lực giải cứu nạn nhân và hỗ trợ họ tái hòa nhập với cuộc sống.
Những đánh giá của các cơ quan tổ chức quốc tế tại Việt Nam về tình hình mua bán người trên thế giới; giao lưu, trao đổi, tọa đàm về công tác phòng, chống mua bán người với sự tham gia của đại diện Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, Cục trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Ngôi nhà Bình Yên (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội LHPN Việt Nam), cơ quan Di cư quốc tế (IOM), Hội LHPN tỉnh Yên Bái.