Phòng chống thuốc lá từ việc áp thuế suất cao

Bài và ảnh: An Khê
21/09/2024 - 21:22
Phòng chống thuốc lá từ việc áp thuế suất cao

Thuốc lá đang đem lại những gánh nặng rất lớn cả về sức khỏe và kinh tế cho người hút cũng như toàn xã hội

Thuốc lá đang đem lại những gánh nặng rất lớn cả về sức khỏe và kinh tế cho người hút cũng như toàn xã hội. Để giảm tiêu dùng thuốc lá, pháp luật Việt Nam đã có các quy định áp dụng thuế suất cao đối với mặt hàng thuốc lá và hiện cũng đang xây dựng các dự thảo tăng thuế suất đối với thuốc lá.

Luật sư Đặng Thành Chung, Giám đốc Công ty Luật TNHH An Ninh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến loại thuế này.

Phòng chống thuốc lá từ việc áp thuế suất cao- Ảnh 1.

Luật sư Đặng Thành Chung, Giám đốc Công ty Luật TNHH An Ninh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)

Hiện pháp luật Việt Nam đã có các quy định áp dụng thuế suất cao đối với mặt hàng thuốc lá và hiện cũng đang xây dựng các dự thảo tăng thuế suất đối với thuốc lá. Theo Luật sư, hiện nay thuế suất với mặt hàng thuốc lá được quy định như thế nào và nếu tăng thuế thì sẽ tăng ra sao?

Một trong những chính sách quan trọng để giảm thiểu việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc lá là thuế, áp mức thuế cao để hạn chế mặt hàng này. Tại Việt Nam, thuốc lá phải chịu những loại thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu. Theo quy định hiện hành, thuốc lá được xem là một mặt hàng thuộc danh mục đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất cao, lên đến 75%.

Theo Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, thuốc lá không thuộc danh sách các trường hợp được miễn thuế hoặc không chịu thuế. Điều này có nghĩa là trong hoạt động kinh doanh thuốc lá, các doanh nghiệp vẫn phải đáp ứng nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng. Quy định này khẳng định rằng thuốc lá được xem là một sản phẩm chịu thuế trong hệ thống thuế giá trị gia tăng. Vì vậy, khi tiến hành kinh doanh thuốc lá, doanh nghiệp không thể tránh khỏi việc nộp các khoản thuế liên quan đến giá trị gia tăng.

Do đó, ngoài việc phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 75% cho việc kinh doanh thuốc lá, thuốc lá cũng phải chịu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa được tiêu thụ tại Việt Nam với mức thuế suất là 10%, theo quy định tại Điều 8 của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008.

Về thuế xuất nhập khẩu, thuốc lá sẽ phải chịu thuế suất bao nhiêu %, thưa Luật sư?

Chủ thể kinh doanh thuốc lá còn có thể chịu thuế xuất khẩu và nhập khẩu. Tuy nhiên, loại thuế này chỉ áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp tiến hành kinh doanh thuốc lá qua biên giới, thông qua lãnh thổ quốc gia.

Theo Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu 2016, đối tượng chịu thuế gồm: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam; Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước; Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối

Theo đó, nếu thuốc lá thuộc trường hợp được xuất, nhập khẩu qua biên giới sẽ phải chịu loại thuế này với mức thuế suất thông thường được quy định bằng 150% thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng.

Dự thảo đề xuất tăng thuế tiêu thụ đối với thuốc lá, cụ thể là theo hai phương án như thế nào?

Phương án 1 là năm 2026 vẫn giữ nguyên mức 75% và bổ sung 2 nghìn đồng/bao. Từ năm 2027 - 2030, mỗi năm thuế tăng thêm 2 nghìn đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối là 10 nghìn đồng/bao. Đối với xì gà, mức thuế tuyệt đối là 20 nghìn đồng/điếu, mỗi năm mức thuế tăng thêm 20 nghìn đồng và đến năm 2030 là 100 nghìn đồng/điếu. Mức thuế này cũng áp dụng đối với thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác, chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng hút, hít, nhai, ngửi, ngậm (100g hoặc 100ml).

Phương án 2 là năm 2026 khi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi chính thức có hiệu lực, cùng với việc giữ nguyên tỉ lệ tính thuế 75% trên giá bán như hiện nay, mức thuế tuyệt đối với thuốc lá là 5 nghìn đồng/bao. Mỗi năm sau tăng thêm 1 nghìn đồng/bao. Đến năm 2030, thuế tăng lên 10 nghìn đồng/bao. Đối với xì gà, mức thuế được đề xuất cho năm 2026 là 50 nghìn đồng/điếu, mỗi năm mức thuế tăng thêm 10 nghìn đồng, tới năm 2030 mức thuế đạt 100 nghìn đồng/điếu. Mức thuế này cũng được đề xuất cho thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác, chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng hút, hít, nhai, ngửi, ngậm (100g hoặc 100ml).

Theo Luật sư, tăng thuế thuốc lá có phải là cách hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc lá?

Thuốc lá gây nên hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Tại Việt Nam, mỗi năm có hàng chục nghìn ca tử vong do thuốc lá, Tổng cục Thống kê cũng cho biết mức tiêu thụ thuốc lá đang tăng trở lại. Trong khi Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức thuế và giá thuốc lá thấp nhất thế giới. Thuế thuốc lá của Việt Nam chỉ bằng 1/6 của Thái Lan, số thu thuế từ thuốc lá quá thấp. Thị trường lại quá đa dạng, nhiều loại thuốc rẻ tiền, dẫn đến người dân và trẻ em dễ dàng tiếp cận và lựa chọn. Do đó, tăng thuế thuốc lá là cách hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc lá.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá rất cao. Ngoài thuế theo tỉ lệ như hiện nay, thuốc lá sẽ chịu thêm thuế tuyệt đối.

Thuốc lá là tác nhân gây ra nhiều bệnh. Do đó, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá là cần thiết. Việc áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên thuốc lá cũng đồng thời giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, người tiêu dùng có thể tự mình cân nhắc việc sử dụng thuốc lá và chi trả tiền thuế hay không, vì cuối cùng, người tiêu dùng mới là người thực sự chịu thuế.

Cảm ơn Luật sư đã chia sẻ!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm