Phòng điều tra thân thiện: Bảo vệ và không làm tái tổn thương nạn nhân

Nguyễn Cảnh Dũng
02/02/2023 - 15:29
Phòng điều tra thân thiện: Bảo vệ và không làm tái tổn thương nạn nhân

“Phòng điều tra thân thiện”

Được thiết kế với quy chuẩn đặc biệt, “Phòng điều tra thân thiện” giúp nạn nhân ổn định tâm lý, kể lại câu chuyện bị xâm hại, giúp cán bộ điều tra nhanh chóng vạch mặt đối tượng. Đặc biệt, quá trình lấy lời khai sẽ không làm tái tổn thương nạn nhân.
Tính nhân văn của "Phòng điều tra thân thiện"

Thượng tá Phạm Mai Hiên, Phó trưởng phòng Phòng, chống mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an, cho biết: Khái niệm "điều tra thân thiện" đã được đề cập đến từ khoảng năm 2013. Thời điểm đó, nhận thấy việc điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi, đặc biệt là trẻ vị thành niên, cần phải có tiến trình và quan điểm điều tra khác, từ khâu thực hiện các thủ tục tố tụng liên quan đến lấy lời khai, triệu tập nhân chứng, giám định và các công tác liên quan đến truy tố, khởi tố, điều tra, xét xử…

Điều này cũng phù hợp với thế giới về quan điểm bảo vệ trẻ vị thành niên, trong đó có tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Họ muốn đưa khái niệm này và tư duy điều tra, công tác ứng xử với cả nhóm tội phạm chuyên biệt với loại tội danh chuyên biệt với người thực hiện hành vi là đối tượng dưới 18 tuổi. Năm 2008, UNICEF đã hỗ trợ Bộ Công an xây dựng 11 mô hình "phòng điều tra thân thiện" theo chuẩn quốc tế đặt tại phòng hình sự ở Công an các tỉnh.

Thượng tá Phạm Mai Hiên, Phó trưởng phòng Phòng, chống mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an

"Phòng điều tra thân thiện phục vụ công tác điều tra, lấy lời khai người bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại hoặc các vụ việc có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; phụ nữ, người dưới 18 tuổi bị bạo lực, bạo hành… Trong không gian ấm cúng, thân thiện, mô hình này giúp đương sự ổn định tâm lý, cởi mở, chia sẻ và mô tả lại vụ việc được chính xác hơn, thoải mái hơn, giúp bảo vệ trẻ em và không làm tái tổn thương nạn nhân trong quá trình giải quyết vụ việc", thượng tá Phạm Mai Hiên chia sẻ.

Tuy nhiên, thời điểm thực hiện mô hình này (năm 2008) ở Việt Nam đã không đạt được hiệu quả như mong muốn bởi lúc đó hệ thống pháp luật của Việt Nam, trong đó có cả Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự không đề cập nhiều đến khái niệm "điều tra thân thiện". Ngoài ra, các thiết bị trong phòng như ghi âm, ghi hình thời điểm đó cũng chưa được chuẩn hóa nên "phòng điều tra thân thiện" một thời gian sau đã xuống cấp, các thiết bị thay thế không có trong khi tổ chức Quốc tế chỉ hỗ trợ thời gian đầu…

Năm 2018, Bộ Công an đã chỉ đạo đánh giá lại toàn bộ mô hình này sau khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực. Bộ luật mới đã đưa vào cách tiếp cận tư pháp với người chưa thành niên thành điều khoản riêng. Tính nhân văn đó là khung hình phạt đối với người dưới 18 tuổi thấp hơn rất nhiều và chỉ được truy tố ở từng tội danh cụ thể. Lúc bấy giờ, tư pháp đối với người chưa thành niên cũng như quan điểm xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi khác hoàn toàn so với trước.

Đi cùng đó là Viện kiểm sát cũng đưa vào thực hiện giám sát, kiểm sát trong quá trình truy tố với khái niệm với người dưới 18 tuổi. Tòa án cũng có tòa gia đình riêng, độc lập để xét xử với người dưới 18 tuổi. Như vậy, có thể thấy toàn bộ hệ thống tư pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng sau Bộ luật Hình sự 2015 đã thay đổi.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Sau khi đánh giá một cách chi tiết, Bộ Công an đã quyết định xây dựng lại các mô hình điều tra thân thiện tại các địa phương. Năm 2019 đã tiến hành xây dựng được 14 mô hình. Hiện nay, "phòng điều tra thân thiện" đã đáp ứng được quy chuẩn theo hướng dẫn của Bộ luật Hình sự, từ thiết bị ghi âm, thiết lập không gian thân thiện khác hẳn với phòng làm việc thông thường. Phòng được chuẩn hóa gồm 14 danh mục, rộng từ 12m2 đến 20m2; Màu sơn, rèm cửa, bàn ghế… tất cả đều tạo cảm giác ấm áp, gần gũi, giúp các nạn nhân có tâm lý thoải mái, gần gũi giúp nạn nhân giảm bớt mặc cảm, lo sợ. Ngoài ra, phòng còn trang bị tủ thuốc, tủ sách thiếu nhi, tủ đồ chơi, tranh ảnh…

Đáng chú ý, phòng thân thiện có thể được kết nối truyền trực tiếp hình ảnh, âm thanh buổi lấy lời khai đến phòng trung tâm chỉ huy khi có yêu cầu của người giám hộ, nhân viên công tác xã hội, chuyên gia tâm lý để hỗ trợ trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đây cũng là nơi lấy lời khai đảm bảo an toàn, bí mật thông tin cung cấp theo nguyên tắc bảo vệ tốt nhất cho nạn nhân, người dưới 18 tuổi theo các yêu cầu pháp luật tố tụng với người dưới 18 tuổi được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự.

Theo thượng tá Phạm Mai Hiên, các nạn nhân là các bé gái thường bị tổn thương rất nhiều, hoảng loạn về tâm lý nên với một căn phòng thân thiện, các em có đủ bình tĩnh, thoải mái về tâm lý để chia sẻ. "Hiện nay, tại các tỉnh có sự thay đổi rất nhiều trong quá trình sát nhập, chia tách các đơn vị. Do đó, chúng tôi phải khảo sát rất kỹ và đến thời điểm này đã xây dựng được 34 phòng điều tra thân thiện, trong đó 33 phòng ở Công an các địa phương, 1 phòng ở phòng đào tạo trường CSND phục vụ giảng dạy", thượng tá Phạm Mai Hiên chia sẻ.

Phó trưởng phòng Phòng, chống mua bán người cho biết thêm, mô hình "phòng điều tra thân thiện" đầu tiên được xây dựng ở Lai Châu. Trong buổi đầu tiên đã thực nghiệm một vụ việc lấy lời khai của bé gái 8 tuổi trong vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra tại xã Nậm Sò, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Buổi này cũng được kết nối đến phòng hội thảo có Tòa án, Viện Kiểm sát và nhiều cơ quan ban, ngành địa phương như Mặt trận, Hội LHPN, Đoàn thanh niên… cùng tham dự. Đáng chú ý, phòng có nhà bóng, có sách, truyện tranh của trẻ em, có búp bê… 

Theo quan sát, khi em bé vào phòng đã bị thu hút bởi những thứ xung quanh, bé rất tự nhiên và chơi ở nhà bóng. Thấy tâm lý cháu đã thoải mái, cán bộ điều tra đã đến nói chuyện để bé kể lại vụ việc… Sau buổi lấy lời khai, việc đánh giá được thực hiện nhằm rút kinh nghiệm cho những vụ việc tiếp theo.

Để việc lấy lời khai hiệu quả, Bộ Công an đã tổ chức tập huấn cho điều tra viên và cán bộ điều tra tại 63 tỉnh, thành về kỹ năng làm việc thân thiện với nạn nhân, kỹ năng giải quyết tin báo tố giác tội phạm, cũng như hiểu được tâm lý trẻ em, có kỹ năng tiếp xúc ban đầu đối với tin báo tố giác tội phạm trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em. "Tất cả các điều tra viên đều được tập huấn kỹ năng điều tra thân thiện, có kiến thức khoa học giáo dục đối với trẻ em, thời gian lấy lời khai không quá 2 tiếng/lần và 1 ngày không quá 2 lần theo quy định", thượng tá Phạm Mai Hiên cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm