pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phòng tránh bệnh hô hấp cho trẻ khi quay lại trường học
Theo thống kê từ Bộ Y tế, mỗi ngày có khoảng 20 đến 30 trẻ em nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp. Để hạn chế sự lây nhiễm của trẻ, nhất là khi trẻ em quay lại trường học, phụ huynh nên chủ động có những biện pháp để bảo vệ sức khoẻ của con mình.
1. Những bệnh đường hô hấp trẻ em thường mắc phải
Trẻ em là đối tượng dễ tổn thương do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng kém nên dễ bị bệnh, nhất là các bệnh về đường hô hấp. Đặc biệt, thời tiết thường xuyên thay đổi, khiến vi khuẩn, virus, nấm mốc phát triển, dễ tấn công và gây bệnh cho bé.
Các bệnh về đường hô hấp mà trẻ em thường mắc phải như cảm lạnh, cúm mùa, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, … trong đó, cúm mùa rất dễ lây nhiễm, nhất là khi trẻ học trong không gian nhỏ, thường xuyên tiếp xúc với bạn bè.
Một số triệu chứng cảnh báo tình trạng nhiễm bệnh về đường hô hấp như ho, khó thở, nghẹt mũi, đau họng, hắt hơi, mệt mỏi, sốt, ... Bố mẹ nên quan sát trẻ để có thể chăm sóc, điều trị đúng cách.
2. Cách phòng tránh bệnh hô hấp cho trẻ khi đến trường
Sự chủ động phòng bệnh từ bố mẹ và thầy cô sẽ giúp đảm bảo sức khoẻ của bé cũng như ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát ở trường học. Sau đây là một số biện pháp ngăn ngừa các bệnh đường hô hấp cho trẻ:
- Hướng dẫn trẻ vệ sinh sạch sẽ
Trẻ em thường xuyên đùa nghịch, tiếp xúc với nhiều đồ vật có thể nhiễm các virus, vi khuẩn gây bệnh. Vì vậy, bố mẹ, thầy cô nên hướng dẫn các em rửa chân tay thường xuyên, nhất là trước khi ăn. Có thể hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng và nước trong 20 giây, lau khô tay bằng khăn giấy và sử dụng khăn giấy để tắt vòi nước. Nếu không có xà phòng và nước, tay không bị bẩn, có thể sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn chứa ít nhất 60% cồn.
Ngoài ra, nên giáo dục trẻ giữ tay tránh xa mũi, miệng và mắt như không ngậm tay; không cho đồ chơi vào miệng, không dụi mắt, vệ sinh sạch sẽ khu vực chơi đùa và học tập của mình …
- Đeo khẩu trang khi đến lớp
Bệnh hô hấp rất dễ lây nhiễm nên bố mẹ chuẩn bị và đeo khẩu trang cho con khi đến trường. Trong lớp học, cô giáo có thể xem xét các trường hợp, nếu khả năng có nguồn bệnh lây nhiễm cao, hãy khuyến khích trẻ đeo khẩu trang.
Lưu ý, lựa chọn khẩu trang có kích thước và chất liệu phù hợp, mềm mại, thoáng khí, không gây khó chịu cho bé.
Hơn nữa, nên hướng dẫn trẻ khi ho, hắt hơi có thể dùng khăn giấy để che mũi, miệng. Sau đó, vứt giấy rác đúng nơi quy định.
- Tăng cường sức đề kháng cho bé
Để phòng ngừa bé bị lây bệnh, bố mẹ nên có chế độ ăn uống giúp bé tăng cường miễn dịch, chống lại bệnh tật.
Những thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất sẽ là những lựa chọn tuyệt vời cho bé như: trái cây, rau xanh, sữa tươi, sữa chua, các loại hạt, thịt bò, cá, … Bố mẹ nên chế biến đa dạng món ăn để bé ăn được nhiều hơn, không bị kén ăn. Cần đảm bảo đủ 3 bữa chính cho trẻ, thêm đó có thể bổ sung thêm các bữa phụ với đồ ăn nhẹ.
Cố gắng cho bé uống nhiều nước hơn, tốt hơn hết là uống nước ấm để bảo vệ họng của trẻ.
- Tiêm vacxin phòng bệnh cho bé
Có một số bệnh hô hấp phổ biến dễ lây nhiễm như cúm mùa, covid-19 đã có vacxin phòng bệnh. Bố mẹ nên tiêm đầy đủ cho bé, như vậy sẽ giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.
- Nếu trẻ không khỏe nên cho ở nhà
Khi thấy trẻ có những dấu hiệu mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, … nên để trẻ ở nhà để theo dõi, việc làm này cũng sẽ phòng tránh lây nhiễm bệnh cho các bé khoẻ mạnh khác. Cha mẹ nên vệ sinh mũi họng cho bé bằng cách nhỏ mũi, cho bé súc miệng với nước muối, …
Lưu ý, nếu trẻ bị ốm nặng, xuất hiện nhiều triệu chứng bất thường, bệnh không thuyên giảm nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và có hướng điều trị phù hợp.
Ngoài việc phòng bệnh từ bé, bố mẹ và thầy cô, nhà trường cần có những biện pháp, hoạt động từ bản thân
- Tiêm phòng đầy đủ với các bệnh lây nhiễm đã có vacxin như cúm mùa, covid
- Nhà trường có chính sách cho các bé bị ốm, cung cấp đầy đủ trạm rửa tay sạch và tiện dụng, xà phòng, khăn giấy, và chất khử trùng tay có cồn.
- Thầy cô nên vệ sinh thường xuyên những khu vực có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao như bàn làm việc, mặt bàn, tay nắm cửa, bàn phím máy tính, đồ dùng học tập thực hành, tay cầm vòi nước và điện thoại.
- Đeo khẩu trang thường xuyên
- Giữ nhà cửa, lớp học luôn thoáng mát, khô ráo
- Khi có các dấu hiệu của cúm nên tránh xa trẻ, thầy cô có thể xin nghỉ ngơi tại nhà
Để giúp bé có những kỳ học mạnh khoẻ, bố mẹ và thầy cô nên chủ động trong cách phòng tránh cho bé. Đặc biệt, nên giáo dục và hướng dẫn trẻ cách bảo vệ sức khoẻ của bản thân. Khi trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, sốt, ho, … nên cách ly bé, tránh lây nhiễm cho trẻ khác cũng như ngăn ngừa bùng phát dịch.