Hà Nội: Nắng nóng kéo dài, trẻ bị bệnh hô hấp, tiêu hóa tăng cao

Linh Trần
25/06/2022 - 06:06
Hà Nội: Nắng nóng kéo dài, trẻ bị bệnh hô hấp, tiêu hóa tăng cao

Đông đảo phụ huynh và trẻ nhỏ chờ khám và làm các xét nghiệm tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Do nắng nóng, số trẻ đến khám và nhập viện những ngày gần đây tăng cao. Đặc biệt, là trẻ bị bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa.

Những ngày qua, nắng nóng trên diện rộng đã xảy ra tại các tỉnh phía Bắc. Có ngày, nhiệt độ trung bình khoảng 38-39 độ C, thậm chí có nơi lên đến 40 độ C. Cũng vì thế, đã có nhiều trẻ phải đi khám và nhập viện điều trị các bệnh liên quan đến tiêu hóa, hô hấp.

Tại Bệnh viện Nhi TƯ, theo ghi nhận của PV Báo PNVNcó rất nhiều phụ huynh đưa con đến khám, đặc biệt là buổi sáng. Chị Trần Thị Thảo (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, cách đây 2-3 ngày, con gái 20 tháng tuổi của chị thường xuyên ho, sổ mũi. Chị đã nhỏ nước muối sinh lý và hút dịch cho con nhưng bé không đỡ. Vì vậy, gia đình đã đưa con đến bệnh viện thăm khám. Tại đây, bé được chẩn đoán bị viêm phế quản nên chỉ định nhập viện.

Trẻ bị bệnh hô hấp, tiêu hóa do… nắng nóng - Ảnh 1.

Trẻ đến khám tại Bệnh Nhi TƯ

Cũng như chị Thảo, có nhiều phụ huynh đã đưa con đến Bệnh viện Nhi TƯ thăm khám. Trong đó, có không ít trẻ ở các tỉnh, thành phía Bắc. Theo thống kê của Bệnh viện, những ngày gần đây Khoa Khám bệnh tiếp nhận trung bình khoảng 4.000-5.000 bệnh nhi/ngày. Phần lớn trẻ nhập viện đều mắc các bệnh lý đường hô hấp như sốt cao, ho, khò khè, khó thở, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết.

Tương tự, tại Khoa Nhi của các bệnh viện như Thanh Nhàn, Đa khoa Hà Đông, các bệnh nhi viêm đường hô hấp và tiêu chảy cấp nhập viện cũng gia tăng. Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, trung bình mỗi ngày khám 10-30 trẻ. Hiện tại, có 40 bệnh nhi đang điều trị nội trú tại đây.

Trẻ bị bệnh hô hấp, tiêu hóa do… nắng nóng - Ảnh 2.

Người nhà và trẻ nhỏ chờ thang máy tại Bệnh viện Nhi TƯ

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, theo các bác sĩ, trong hơn 1 tháng qua, số trẻ nhập viện tăng 150-200%, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa. Bé L.T.K. (1 tuổi) được mẹ đưa đến thăm khám với biểu hiện sốt cao, ho, thở rít. Bác sĩ chẩn đoán bé viêm tai giữa kèm viêm phổi.

Còn tại Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai, nhân viên phải sắp xếp, điều phối giường do số ca nhập viện tăng gấp hai đến ba lần. Còn số bệnh nhi đến khám tăng gấp nhiều lần, cao điểm là 400 ca/ngày. 

Theo các bác sĩ, nguyên nhân khiến nhiều trẻ em nhập viện trong những ngày gần đây là do thời tiết nắng nóng thất thường, vi khuẩn phát triển mạnh trong khi sức đề kháng của trẻ bị giảm. Trẻ em bị thiếu nước, tiêu tốn nhiều năng lượng do bài tiết mồ hôi, điều hòa thân nhiệt nên dễ bị cảm cúm, sốt, các bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hóa.

Trẻ bị bệnh hô hấp, tiêu hóa do… nắng nóng - Ảnh 3.

Bác sĩ thăm khám cho trẻ

TS. Nguyễn Thị Mai Hoàn, Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Nhi TƯ, cho biết, với bệnh về đường hô hấp, khi trẻ có dấu hiệu sốt cao, ở nhà không hạ được nhiệt, hoặc có biểu hiện thở nhanh, khó thở phụ huynh phải đưa con đến viện ngay.

Thực tế cho thấy, trẻ đến bệnh viện khám chủ yếu do virus nên với những trường hợp trẻ có thể ho, hắt hơi, sổ mũi, ở giai đoạn đầu nhẹ, bố mẹ chỉ cần rửa mũi, họng bằng nước muối sinh lý cho con ở nhà, theo dõi con. Phụ huynh nên cho trẻ súc họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý có tác dụng rất tốt để phòng nhiễm các bệnh về hô hấp, bác sĩ Hoàn nói.

Trẻ bị bệnh hô hấp, tiêu hóa do… nắng nóng - Ảnh 4.

Phụ huynh lấy giấy xét nghiệm tại Bệnh viện Nhi TƯ

Theo các chuyên gia, trong thời tiết nắng nóng hiện nay phụ huynh cần theo dõi sức khỏe của trẻ, hạn chế không cho các cháu ra nắng. Khi phát hiện cháu bị sốt, phụ huynh cần đo nhiệt độ cơ thể và cho uống thuốc hạ sốt. Nếu bị nặng cần đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, phụ huynh nên cho con uống nhiều nước và ăn nhiều lần, để đảm bảo sức đề kháng. Phụ huynh hạn chế cho trẻ ra ngoài trời quá nhiều, thay vào đó cần hướng dẫn trẻ chơi trong bóng râm, uống nhiều nước, ăn đồ ăn lỏng và đảm bảo vệ sinh.

Ngoài ra, người dân cần để nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, mở cửa nhưng bảo đảm không bị gió lùa nhằm tránh tồn lưu virus trong môi trường. Đồng thời, phun thuốc diệt muỗi, phát quang bụi rậm, mắc màn khi ngủ, dọn sạch các vũng nước đọng trong nhà.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm